Masan muốn người Việt chi gấp 5 lần cho sản phẩm của mình
Sáng nay (24/4), Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.
Mở đầu phiên họp, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, khẳng định nhu cầu thiết yếu là nguồn cảm hứng lớn nhất cho tập đoàn này.
Theo ông Quang, 26 triệu hộ gia đình Việt Nam dành gần một nửa ngân sách chi tiêu hằng ngày cho các nhu cầu thiết yếu - đây là lĩnh vực mà Masan đang hướng đến. Ông Quang cũng cho hay có 98% người Việt Nam hiện đang sử dụng sản phẩm của Masan.
Từ mức chi tiêu 0,2 USD/tháng của người tiêu dùng Việt Nam cho các sản phẩm Masan năm 2009, đến năm 2016 đã tăng lên 2 USD/tháng. Masan đang hướng đến mục tiêu mỗi người Việt sẽ chi 9-10 USD cho tập đoàn này vào năm 2020, gấp 5 lần hiện tại, nhờ đó góp 9-10 tỷ USD vào doanh số.
Năm 2017, Masan lên kế hoạch đạt 50.000 - 52.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15-20% so với năm 2016. Kế hoạch lợi nhuận thuần sau thuế theo chuẩn kế toán Việt Nam đạt từ 3.200 - 3.400 tỷ đồng, tăng 15-22%.
Để đạt được kế hoạch này, trong năm 2017, Masan kỳ vọng công ty phụ trách mảng đạm động vật Masan Nutri-Science (MNS) tăng trưởng doanh thu 20-30% trong khi lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn hơn. Mới đây, KKR đã giải ngân khoản đầu tư 150 triệu USD vào ngành hàng thịt của Masan.
Lãnh đạo Masan cho biết rằng, thương hiệu Bio-zeem của tập đoàn này hiện đóng góp 60% tổng doanh số thức ăn chăn nuôi heo của MNS, thị phần cũng tăng từ 20% cuối năm 2015 lên 30% năm 2016.
"Người Việt Nam đang trả giá cao hơn cho mỗi kg thịt họ mua ở chợ nhưng chưa biết thịt đó được nuôi ở đâu, giết mổ thế nào... Với mức giá 150.000/kg thịt heo sạch hiện nay, chỉ có dưới 1% dân số Việt Nam có thể chi trả được. Masan đặt mục tiêu sẽ đưa ra thị trường thịt sạch với giá 65-70.000 đồng/kg để tiếp cận được với 90 triệu người Việt Nam", ông Quang nói với các cổ đông.
Trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống, bằng việc tung ra nhãn hiệu gia vị đầu tiên ở Thái Lan, Chin-su Yod Thong, Masan đã mở rộng thị trường ra khu vực. Tập đoàn kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 5-10% và lợi nhuận ổn định do chi phí nguyên liệu cao hơn và thu nhập tài chính thấp hơn. Masan Consumer hiện có kế hoạch chi trả cổ tức trị giá 2.341 tỷ đồng trong năm nay.
Về mảng khoáng sản, giá cả hàng hóa suy giảm trong năm qua song doanh thu thuần của Masan Resources đã tăng trên 50%. Hiện, Masan đang nắm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc. Năm 2017, Masan Resources dự kiến sẽ tăng doanh thu thuần 22-27% và tăng lợi nhuận 36-164% tùy tình hình giá cả hàng hóa.
Trong mảng ngân hàng, Masan dự kiến Techcombank sẽ tiếp tục trích lập dự phòng để cấu trúc tài sản "sạch" nhất trong ngành ngân hàng.
HĐQT Masan trình cổ đông thông qua việc hủy phát hành 9 triệu cổ phần để tất toán nghĩa vụ nợ liên quan đến khoản vay chuyển đổi có số nợ gốc là 30 triệu USD; đồng thời phương án mới sẽ phát hành hơn 13,68 triệu cổ phần để thể hiện các điều khoản chống pha loãng của khoản vay, tờ trình cho biết. Ngoài ra, Masan còn dự kiến phát hành cổ phần ESOP tối đa 0,9% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 4/12, Masan đã lần đầu tiên trong lịch sử tập đoàn chia cổ tức cho năm 2015 với tỷ lệ 19% và tạm ứng cổ tức 11% cho năm 2016. Nay, HĐQT Masan trình Đại hội phê chuẩn mức cổ tức bằng tiền 11% cho năm 2016.
Năm 2016, doanh thu thuần của Masan đã tăng 41% lên mức 43.297 tỷ đồng. Biên lợi nhuận EBITDA tăng 45% từ 6.687 trong năm 2015 lên 9.670 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng 89% lên 2.791 tỷ đồng, vượt 16% so với mục tiêu lợi nhuận đã điều chỉnh (2.400 tỷ đồng).
Trường Văn