Masan lý giải nguyên nhân mua nước khoáng Vĩnh Hảo, bia Phú Yên
Masan Consumer có vốn điều lệ 5.253 tỷ đồng trong khi Vĩnh Hảo có vốn điều lệ chỉ khoảng 81 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là tại sao Masan Consumer lại sẵn sàng chi trả một khoản lớn để thâu tóm hãng đồ uống này?
Trả lời câu hỏi trên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 diễn ra chiều 27/4, lãnh đạo Masan Consumer cho biết, trọng tâm các thương vụ mua lại của Masan là tập trung đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng. Sau đó, sẽ xem xét đến các thương hiệu mạnh, tiêu chí này được đánh giá dựa trên các giá trị tạo ra trong tương lai chứ không phải là giá trị đã chi trả.
"Quy mô không quan trọng mà quan trọng là tương lai sẽ tạo ra như thế, doanh thu đạt được trong tương lai cũng như tiềm năng ra sao?", vị này nói.
Lãnh đạo Masan Consumer dẫn giải thêm: "Nước khoáng Vĩnh Hảo có lịch sử hoạt động hơn 80 năm qua, tự thân nó có sức sống mà không cần quảng cáo cũng như hệ thống phân phối. Nếu vào miền trung sẽ thấy sức sống của nhãn hiệu này - giống như là "hữu xạ tự nhiên hương".
Ông cũng nói thêm rằng, hiện Vĩnh Hảo đã xây dựng được một danh mục sản phẩm tiêu dùng khá đa dạng. Vĩnh Hảo hiện đang phân phối sản phẩm của mình thông qua gần 40 đại lý và gần 25.000 điểm bán lẻ tại miền Nam và miền Trung.
Cùng với lợi thế từ hệ thống phân phối rộng khắp của Masan Consumer, ban lãnh đạo Masan kỳ vọng Vĩnh Hảo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, hướng tới thành công ty đồ uống đóng chai hàng đầu trên thị trường.
Về con số cụ thể, với tiềm năng thị trường trong nước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng doanh số, tăng trưởng 10-15%/năm, Masan Consumer nhắm tới mục tiêu doanh số của Vĩnh Hảo đạt 3.000-5.000 tỷ trong vài năm tới (so với hiện tại 500 tỷ đồng).
Ngoài Vĩnh Hảo, mới đây, nguồn tin từ Masan cũng cho biết, hiện Tập đoàn đang thương thuyết để mua lại công ty bia và nước giải khát Phú Yên (PYBECO) - một doanh nghiệp tương đối nhỏ trong ngành - với giá trị giao dịch ước tính 12 triệu USD (252 tỷ đồng).
Tương tự với lý do mua nước khoáng Vĩnh Hảo, tại Đại hội cổ đông lần này, lãnh đạo Masan cũng khẳng định lại rằng, việc đầu tư của Tập đoàn nhằm nhắm tới các mục tiêu tương lai. Theo lý giải, ngành bia là ngành quan trọng chiếm gần một nửa ngành đồ uống, đây cũng là ngành nằm trong kế hoạch xem xét, đánh giá để lên kế hoạch thực hiện của Tập đoàn.
Thêm vào đó, theo thông lệ, ngành bia là ngành đồ uống theo khẩu vị địa phương và thuộc về các doanh nghiệp trong nước. Theo dự trù của mình, Masan tin tưởng rằng trong tương lai, Masan sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong ngành này.
Nguồn Dân Việt