Chủ tịch SK Chey Tae-won và Giám đốc điều hành Tập đoàn Masan Danny Le (trái ảnh) bắt tay tại VIIE (Việt Nam International Innovation EXPO) ngày 28/10. Ảnh: SK
Masan khẳng định SK vẫn tiếp tục là đối tác dài hạn
Gần đây, thị trường chứng khoán rộ lên tin đồn SK Group (tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc) muốn thoái vốn khỏi thị trường mới nổi, trong đó có khoản đầu tư ở Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư trong và ngoài nước chiều 30/10, phía Tập đoàn Masan khẳng định SK là đối tác dài hạn. Đối với phần vốn sở hữu của SK tại Masan, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.
Về khoản đầu tư vốn cổ phần của Bain Capital vào Masan Group, phía Masan cũng giải thích đây thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. “Khoản đầu tư này có thể tăng lên 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán của Công ty. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của MSN”, ông Michael H. Nguyen - Phó tổng giám đốc Masan Group giải thích thêm.
Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, 9 tháng đầu năm 2023 Masan đạt 57.470 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau khi trừ giá vốn và các chi phí, lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số chỉ còn 1.353 tỷ đồng, giảm gần 66% so với cùng kỳ.
Giải trình về kết quả kinh doanh, đại diện Masan cho biết, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, Masan cũng đang bị ảnh hưởng từ chi phí tài chính, bao gồm việc đánh giá lại tỷ giá cho các khoản vay ngoại tệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết doanh nghiệp đang nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính, cố gắng tăng lượng tiền mặt đưa hệ số nợ/EBITDA về mức bình thường, giúp bảng cân đối kế toán khỏe mạnh hơn. Về các khoản nợ đáo hạn trong năm 2023, Masan cho biết đến hết tháng 9/2023 đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn. Trong năm 2024, tổng mức trái phiếu đáo hạn rơi vào 6.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với số dư tiền mặt hợp nhất của Công ty (gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền) ở thời điểm cuối quý 3/2023 hiện có là 14.258 tỷ đồng và EBITDA cho 12 tháng gần nhất là 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tự do được cải thiện liên tục qua nhiều quý nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả, đạt 2.202 tỷ đồng trong quý 3/2023 so với chỉ 125 tỷ đồng trong quý 3/2022.
“Việc có lượng tiền mặt tốt cũng giúp doanh nghiệp tăng độ tin cậy với nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, cũng như các đối tác khác”, ông Danny Le nhấn mạnh.
Dự kiến, tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng từ 4.900 tỷ đồng đến 12.250 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital.
Tờ New.mt.cokkr cho biết, ngày 31.10, các giám đốc điều hành của SK gần đây đã gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu của các đối tác đầu tư địa phương tại Việt Nam để thảo luận về quan hệ đối tác mới. Một quan chức cấp cao của SK cho biết: “Có thể có một số điều chỉnh danh mục đầu tư khi ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, nhưng chúng tôi có kế hoạch củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong tương lai. Ví dụ, Tập đoàn Masan là đối tác chiến lược quan trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách hợp tác từ một tầm nhìn dài hạn”.
Kể từ năm 2018, SK đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu Việt Nam như Vin Group và Masan Group và đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD (khoảng 3,37 nghìn tỷ won) vào nhiều lĩnh vực như phân phối, hàng tiêu dùng, phát triển bất động sản và chăm sóc sức khỏe. các ngành công nghiệp cốt lõi. Đặc biệt, SK đã đầu tư 1,2 tỷ USD (khoảng 1,6 ngàn tỷ KRW) vào các mảng kinh doanh lớn của Masan Group, bao gồm cả công ty mẹ của tập đoàn như hàng tiêu dùng hàng ngày (FMCG) và phân phối. Đây là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Chủ tịch SK Chey Tae-won đã dành thời gian tham gia Triển lãm đổi mới sáng tạo Việt Nam và thăm Việt Nam vào ngày 27 và 28/10. Được biết, trong chuyến thăm này, đoàn đã gặp Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thảo luận về các dự án hợp tác lâu dài như kỹ thuật số và ESG bên cạnh các giải pháp xanh. Khoản đầu tư 30 triệu USD (khoảng 40 tỷ won) của SK vào Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh tương tự.