Thứ Tư | 20/03/2013 09:46

Masan Group nằm trong Top danh mục đầu tư toàn cầu của TPG

Trong “hội nghị thường niên các nhà đầu tư” của TPG lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam từ 19-21/3, Masan Group sẽ được giới thiệu để thu hút thêm vốn.
TPG, một trong những quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn trên thế giới sẽ tổ chức “hội nghị thường niên các nhà đầu tư” tại Việt Nam từ 19 - 21/3. Đây là lần đầu tiên sự kiến này diễn ra bên ngoài nước Mỹ và là cơ hội để các nhà đầu tư của TPG đánh giá lại hoạt động và sự biến động về giá trị của danh mục đầu tư trong năm vừa qua. Chủ đề thảo luận chính của hội nghị sẽ tập trung vào các cơ hội ở thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.

Hơn một nửa danh mục đầu tư của quỹ TPG Growth, một quỹ thành viên với tổng số vốn được cam kết khoảng 4 tỷ USD, đã được phân bổ cho các khoản đầu tư vào các thị trường mới nổi, bao gồm 35 triệu USD đầu tư vào Masan Group năm 2009 dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi. Khoản đầu tư này đã tạo ra lợi nhuận đáng kể, với giá thị trường hiện ước tính gấp 5 lần giá trị đầu tư ban đầu, dựa trên giá cổ phiếu hiện tại của Masan là 120.000 đồng/cổ phiếu.

Theo một vài nguồn tin trong ngành thì trong danh mục đầu tư của TPG Growth, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xuất sắc nhất và sẽ được giới thiệu tại hội nghị để giúp thu hút thêm vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Giá trị vốn hóa của Masan Group đã tăng gấp 4 lần kể từ khi niêm yết vào năm 2009, thông qua hai công ty thành viên chủ chốt là Công ty Hàng Tiêu Dùng Masan (“Masan Consumer”) và Công ty Tài Nguyên Masan (“Masan Resources”).

Masan Consumer là một trong những công ty con của Masan Group. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Masan Consumer là một trong những công ty con của Masan Group. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong vòng 4 năm vừa qua, doanh thu của Masan Consumer đã tăng gần 540% từ mức 1.920 tỷ đồng năm 2008 lên mức gần 10.400 tỷ đồng trong năm 2012. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế tăng gần 700% từ hơn 400 tỷ đồng trong năm 2008 lên 2.800 tỷ đồng. Masan Consumer hiện đang lần lượt chiếm thị phần số 1 và số 2 trong nhành hàng nước chấm và mì ăn liền.

Ngoài ra, trong một giao dịch gần đây, để gia tăng tỷ lệ cổ phần của mình tại Masan Consumer, KKR đã định giá công ty ở mức xấp xỉ 2,3 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so với mức 300 triệu USD được Mekong Capital định giá trong năm 2009.

Masan Group còn tạo ra giá trị gia tăng đáng kể từ thương vụ mua lại dự án mỏ Núi Pháo, khi tập đoàn ước tính chi trả từ 250 đến 300 triệu USD (chủ yếu bằng cổ phiếu MSN) cho 70% cổ phần sở hữu của Dragon Capital. Hơn 320 triệu USD đã được Masan Group đầu tư thêm trong vòng 2 năm vừa qua để hoàn toàn xoay chuyển và xúc tiến tiến độ của dự án. Theo dự kiến, dự án sẽ đi vào vận hành thử trong những tháng tới.

Masan Group cũng đã huy động hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài và đã phân bổ xấp xỉ 430 triệu USD cho các doanh nghiệp hiện hữu trong tập đoàn để gia tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty thành viên và các công ty liên kết hay để tài trợ vốn đầu tư tài sản cố định của dự án mỏ Núi Pháo. Tập đoàn cũng đã chi gần 160 triệu USD để mua lại các doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Trong vòng 2 năm qua, Masan mua lại cổ phần của Vinacafe Biên Hòa, Cám con cò (Proconco) và Vĩnh Hảo. Các thương vụ này được mong đợi sẽ tạo ra lợi nhuận trong dài hạn khi được Masan Group đầu tư theo cùng một phương thức đã tạo nên sự thành công cho Masan Consumer và Masan Resources.