Thứ Bảy | 19/04/2014 10:48

Maritimebank lên phương án sáp nhập MDB, tỷ lệ hoán đổi 1:1

Dự kiến, Ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
10:34 Cổ đông băn khoăn về nợ xấu
Cổ đông Maritimebank tập trung chất vấn lãnh đạo về vấn đề nợ xấu và sáp nhập.

Cổ đông hỏi:

Năm 2014 tỷ lệ nợ xấu dự kiến vẫn là 3%, sau sáp nhập với MDB thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên bao nhiêu? Được biết MDB hoạt động không hiệu quả. Sau sáp nhập nợ xấu của Maritimebank sẽ tăng lên bao nhiêu, sẽ phải trích lập thêm bao nhiêu?

Trong thực hiện việc chuyển nhóm nợ 2013, việc dừng thu lãi nhóm bất động sản, vận tải, làm giảm lợi nhuận của Maritimebank khoảng 150 tỷ, ban lãnh đạo cho biết cụ thể dư nợ của nhóm bị điều chỉnh là bao nhiêu, khả năng thu hồi là bao nhiêu, sau thanh tra dư nợ của nhóm này là bao nhiêu?

Kế hoạch 2014 lợi nhuận hơn 200 tỷ, giảm 34%, nợ xấu không giảm, vẫn là 3%, thu nhập lương và chi phí khác lại tăng mạnh, ban lãnh đạo cần giải trình về vấn đề này cho cổ đông nắm rõ. Thực sự nợ xấu quá cao nên lập dự phòng và việc sáp nhập MDB gây ra hay không?

Việc phân phối lợi nhuận trước trích lập các quỹ, tại sao không trích 5% lợi nhuận còn lại chia cho cổ đông mà lại để tỷ lệ 0%. Cổ phiếu của Maritimebank giảm, nên trả cổ tức để bù đắp?

Việc thù lao cho HĐQT và BKS là 15 tỷ, không đưa cụ thể cho từng bộ phận, cần nên công khai chi phí để cổ đông biết, chi phí?

Theo đề án, sáp nhập MDB vào Maritimebank sẽ là 1:1, nhưng cổ đông cho rằng tại sao lại hoán đổi tỷ lệ này mà không thấp hơn?

Tỷ lệ nợ xấu của Maritimebank thấp, tại sao chi phí dự phòng 2013 và 2014 lại rất cao. Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm các khoản cho vay liên ngân hàng, cho trái phiếu chưa, nếu tinh cả thì nợ xấu là bao nhiêu?

Triển vọng sinh lời của trái phiếu DN là thế nào khi mà Maritimebank đang nắm rất nhiều trái phiếu tổ chức kinh tế. Năm 2014 có giảm đầu tư trái phiếu không?

Năm 2013 và quý I/2014 ngân hàng đã bán bao nhiêu nợ cho VAMC. Sơ bộ kết quả kinh doanh quý 1 như thế nào để cổ đông nắm được?

10:17 Xin nhập MDB vào Maritimebank

Tại đại hội, trong phần trình cổ đông thông qua các tờ trình, ông Đào Trọng Khanh, phó chủ tịch thường trực HĐQT Maritimebank cho biết ngân hàng xin nhập vào Maritimebank là Ngân hàng TMCP Mê Kông (Mekongbank - MDB).

Một quá trình sáp nhập gồm có 3 bước, theo ông Khanh, đó là tìm hiểu nghiên cứu, thứ hai là xin phê duyệt về nguyên tắc và thứ 3 là thực hiện.

Hiện nay, giữa Maritimebank và MDB đã xong bước 1, đang thực hiện bước 2 tức là xin phê duyệt nguyên tắc

Ông Khanh cho biết thêm, hiện nay việc mua bán sáp nhập đang được NHNN ủng hộ. MDB là ngân hàng có nhiều điểm thích hợp với Maritimebank.

Dự kiến, Ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (hiện tại, vốn điều lệ của Maritimebank là 8.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của MDB là 3.750 tỷ đồng) và có mạng lưới lớn thứ 3 trong khối các ngân hàng TMCP mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối với gần 300 điểm trên toàn quốc.

Việc sáp nhập này, theo lãnh đạo Maritimebank, sẽ giúp phát huy thế mạnh, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho cả hai bên và mang lại nhiều lợi ích cộng hưởng cho Ngân hàng sau sáp nhập.

09:54 Năm 2013 NHNN đã thanh tra toàn diện Maritimebank

Theo báo cáo của HĐQT do ông Đào Trọng Khanh, Phó chủ tịch thường trực HĐQT trình bày tại đại hội, năm 2013 ngân hàng đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do nhiều lý do.

Một trong các lý do là NHNN đã thanh tra toàn diện Maritimebank. Sau khi có kết luận thanh tra, có một số khoản phải đánh giá lại, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh và HĐQT sau đó phải điều chỉnh lại kế hoạch.
09:31 Tăng trích lập dự phòng sẽ làm giảm lợi nhuận

Cũng theo ông Tổng giám đốc Maritimebank, kế hoạch 2014 ngân hàng sẽ tăng tỷ lệ doanh thu từ phí, tập trung xử lý nợ xấu, tăng chất lượng nợ và tăng hiệu quả sử dụng chi phí.

Dẫu vậy, việc phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro có thể khiến ngân hàng giảm mạnh lợi nhuận. Cụ thể, ngân hàng chỉ kỳ vọng đạt 265 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, giảm 34% so với năm 2013. Tổng tài sản dự kiến tăng 4% lên trên 112 nghìn tỷ.

Năm 2014, ngân hàng cũng vẫn trình kế hoạch không chia cổ tức cho cổ đông như năm 2013.

9h00 Đại hội bắt đầu

Đúng 9h00, đại hội bắt đầu. Theo báo cáo của Ban kiểm tra tư cách đại biểu, có 71,91% số cổ đông hoặc ủy quyền của cổ đông có quyền biểu quyết đã có mặt tham dự

Tại Đại hội lần này, Maritimebank trình đại hội thông qua sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào ngân hàng.

Cụ thể, Maritimebank xin cổ đông ủy quyền cho HĐQT chủ động phê duyệt, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung tại đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, điều lệ ngân hàng sau sáp nhập và phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phần; Ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện các thủ tục cần thiết khác để tiến hành sáp nhập thành công.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc Atul Malik, năm 2013, Maritimebank đạt tổng tài sản hơn 107 nghìn tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 10,8%, huy động vốn tăng 10,4% so với 2012, lợi nhuận trước thuế 401 tỷ đồng, nợ xấu 2,71% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ chia cổ tức 0%

Ngoài ra, bằng việc đẩy mạnh mở thêm các điểm giao dịch, lắp đặt thêm các máy ATM mới, Maritimbank đã trở thành 1 trong 5 ngân hàng có mạng lưới máy ATM lớn thứ 5 trong hệ thống.

Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ


Sự kiện