Mảnh ghép thứ ba trong gia đình Kova
Trước tình trạng công suất nhà máy sản xuất sơn tại Củ Chi liên tục chạy vượt công suất với 2,5ca/ngày, tình trạng này gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và mất an toàn lao động. Trong khi thị trường của công ty sơn Kova đang tăng trưởng ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhà máy sơn thứ 7 có nguồn mở tích hợp công nghệ 4.0 của Kova đã được hoàn thành vào đầu tháng 3 vừa qua, hiện đang chạy 1/3 công suất.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Ông Nguyễn Khôi, Giám đốc nhà máy Sơn Kova Nhơn Trạch, chia sẻ “6 năm nữa nhà máy sẽ hoạt động đầy công suất, vì hiện tại các mẫu sơn sản xuất tại nhà máy này đang gửi mẫu qua Malaysia”. Nhà máy này cũng đủ công suất phục vụ thị trường Singapore, khi có nhu cầu.
Nhà máy có tổng diện tích sàn khoảng 2,4ha, sản xuất 65 triệu lít sơn và chống thấm/năm và 35 nghìn tấn bột trét và mastic. Nhà máy có quy mô công suất tăng gấp hơn 3 lần tổng công suất các nhà máy của Kova trước đây. Đặc biệt với công nghệ nhập từ Đức, châu Âu, Hàn Quốc, tiết kiệm nhân lực rất lớn. Nếu trước đây, một dây chuyền phải cần đến 10 nhân công thì nay chỉ còn khoãng 2-3 người, ông Khôi chia sẻ.
Vừa tiết kiệm chi phí nhưng đây cũng là bài toán giúp Kova giảm bớt khó khăn trong tuyển dụng nhân công. Ông Khôi, chia sẻ khu vực Long Thành đặc biệt rất khó tuyển nhân công, tuyển được phải giữ chân với mức lương cao vì khu vực này rất khó tìm được người thay thế. Vì vâỵ, một số công nhân đang hoạt động tại đây được Kova đưa từ Củ Chi hoặc các khu vực khác đến và có thêm nhiều khoản phụ cấp ngoài lương cao hơn mặt bằng chung.
Đầu tư nhà máy này, Kova nhắm đến chiến lược mới trong thời gian tới, Nguyễn Duy, Giám đốc Kova Trading chia sẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, Kova đã có mặt tại thị trường Singapore, Malaysia, Indonesia, châu Âu, Nga… Đặc biệt là thị trường mới là Nga khá tiềm năng.
Vốn là sơn của Việt Nam sản xuất nhưng sơn Kova lại đi ngược thị trường khi cung cấp ra thị trường và khách hàng khá lớn tại Singapore, sau đó là Malaysia, Indonesia… và sau này mới được biết đến nhiều hơn tại thị trường Việt, sau khi thế hệ thứ 3 của gia đình tham gia với vị trí kinh doanh. Lúc này, sơn Kova mới bắt đầu được đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam.
Tính từ ngày thành lập đến nay, Kova đã chính thức đi được quãng đường 25 năm, và người kế nghiệp thế hệ thứ 3 cũng đang bắt đầu chứng tỏ năng lực bằng việc nỗ lực đưa thương hiệu Kova rộng hơn ra thị trường trong nước và nước ngoài. Trong 48 dòng sơn Kova đang sản xuất, sơn chống thấm hiện đang có thị phần lớn nhất với 49%, theo thông tin từ báo nước ngoài.
Mặc dù sơn Nano từ vỏ trấu được Kova đầu tư và đẩy mạnh thương hiệu ra thị trường nhưng đến nay chất chống thấm CT-11A của Kova vẫn chiếm thị phần lớn nhất. Theo số liệu đưa ra từ Nguyễn Duy, cứ 10 người thì có 7 người mua chất chống thấm của Công ty. Thực tế, chất chống thấm của Kova ra đời từ 1998 với tên gọi CT-11A nhưng vì luật bảo hộ lúc đó chưa cho phép nên mãi gần đây tên gọi này của Kova mới chính thức được bảo hộ. Vì vậy, trong nhiều năm qua, dòng sơn CT-11A bị làm nhái rất nhiều và được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi. Nhà máy mới hiện đang sản xuất 20-30% công suất cho sản phẩm sơn chống thấm.
Chiến lược mở rộng thương hiệu
Những năm 80, 90, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe và các con từng ở trong một căn phòng bị thấm dột nặng, thậm chí trên nóc giường, Bà còn phải “gia cố” bằng một túi ni lông to để che nước mưa. Thời điểm đó, tình trạng nhà thấm dột khá nghiêm trọng, đặc biệt là ở miền Bắc điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều. Từ chính hoàn cảnh đó, Bà quyết tâm nghiên cứu sâu về chống thấm để tăng độ bền cho các bức tường và tăng tuổi thọ cho các công trình.
Kova được PGS.TS Nguyễn Thị Hòe thành lập từ năm 1993, khởi đầu bằng sản phẩm chống thấm nhằm giải quyết tình trạng thấm dột nặng nề ở các công trình. Từ một phòng thí nghiệm nhỏ 25 năm trước, Kova hiện đã có hơn 10 công ty thành viên cùng các nhà máy trong nước và khu vực Đông Nam Á, luôn đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong 5 năm gần đây.
Ngoài chống thấm, KOVA còn có hệ thống sản phẩm đa dạng, đồng bộ và 100% hệ nước, có thể đáp ứng mọi nhu cầu, từ các sản phẩm thông dụng như: bột trét, sơn lót, sơn phủ trang trí, và chống thấm; cho đến các dòng sơn trang trí cầu kỳ như: sơn đá nghệ thuật, vân đá, vân gỗ, sơn gấm, sơn nhũ,…; các dòng sơn công nghiệp như: sơn Epoxy, sơn chống nóng, sơn cho gỗ, cho kính và cho kim loại. Đặc biệt được quan tâm hiện nay là dòng sản phẩm NANOPrô sử dụng công nghệ Nano từ vỏ trấu.Chống thấm là sản phẩm đầu tiên của Kova và có thể nói đây là sản phẩm gắn liền với lịch sử phát triển của Kova trong suốt 25 năm qua. Hiện chống thấm đóng góp đáng kể trong tổng doanh thu chung của Kova, bên cạnh các loại sơn khác.
Trước Duy, bà ngoại là PGS. T.S khoa học Nguyễn Thị Hoè chỉ biết đến việc nghiên cứu sản phẩm, đến thế hệ thứ 2 bắt đầu Kova mới đầu tư máy móc, công nghệ lớn và hoàn chỉnh bộ phận sản xuất sơn. Nhưng thời điểm này, sơn Kova vẫn chỉ biết đến qua chuyền tai nhau là chính chứ không làm dịch vụ thương mại. Trong khi, các dòng sơn ngoại liên tục thâm nhập vào thị trường Việt Nam và quảng cáo rầm rộ trong giờ vàng tại các phương tiện truyền hình. Phương châm của Kova là không đầu tư vào truyền thông mà tập trung đầu tư chất lượng sơn.
Hiện tại, ở tuổi đã lớn, bà Hoè vẫn miệt mài nghiên cứu sản phẩm tại nhiều phòng thí nghiệm khác nhau trong nước và cả những phòng thí nghiệm Singapore, Malaysia… bà Hoè cũng hỗ trợ cháu ngoại trong công việc. Khách hàng miền Bắc và một số nước bà Hoè làm việc từ nhiều năm nay, đến nay họ vẫn giữ mối quan hệ và làm việc qua bà Hoè. Duy tích cực đi tìm những thị trường mới, và đưa thương hiệu Kova rộng hơn tại Việt Nam, Duy chia sẻ.