Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục là điểm đến của làn sóng đầu tư từ Thái Lan.

 
Hà Cúc Chủ Nhật | 09/02/2025 08:00

Mảnh ghép cuối của hệ sinh thái Thái Lan

Nhà đầu tư Thái đang khép chặt “hệ sinh thái Thái Lan” tại Việt Nam qua nhiều lĩnh vực chủ chốt.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kể về câu chuyện “đi ngược đường” khi nông sản Việt Nam lại đang rất rộng cửa vào thị trường Thái Lan. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2024 Thái Lan chi gần 80 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng hơn 95% so với cùng kỳ năm 2023. Không chỉ trái cây và rau quả, các sản phẩm như thủy sản, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu... được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Đây là hiện tượng đáng chú ý vì lâu nay, Thái Lan được coi là trung tâm xuất khẩu rau quả hàng đầu tại khu vực.

Sự ưa chuộng nông sản Việt của người Thái đã góp phần thúc đẩy Thái Lan trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại của 2 nước hiện vào khoảng 20 tỉ USD. Về đầu tư, Thái Lan cũng đang trong Top 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 14 tỉ USD.
 

Dòng vốn lớn từ nhà đầu tư Thái tăng dần khi họ nhận ra có thể kiếm tiền dễ dàng tại thị trường Việt Nam. Ngay từ năm 2014, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu McKinsey, có tới 52% doanh nghiệp Thái cho biết cơ hội lớn nhất với họ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực là thị trường nội địa Việt Nam.

Thói quen tiêu dùng hàng Thái của người Việt Nam là điểm lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Thái so với hàng Trung Quốc. Chính phủ Thái Lan nhanh chóng có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa cơ hội này. Ở thời điểm này, nhiều nhà sản xuất Việt Nam rất bất ngờ khi tiếp xúc các chuyên gia xúc tiến thương mại Thái Lan nói được tiếng Việt rất thành thạo. Đội quân này len lỏi khắp nơi để tìm đường đưa hàng Thái vào Việt Nam.

Kể từ đó, liên tục trong nhiều năm qua, thị trường M&A chứng kiến “làn sóng hàng Thái” khi giới đầu tư Thái Lan liên tục công bố các kế hoạch tỉ USD để củng cố hoạt động ở Việt Nam. Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN do HSBC công bố gần đây cho thấy Top 3 doanh nghiệp hào hứng mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhất là Thái Lan (66%), Malaysia (58%) và Indonesia (55%). “Thái Lan tiếp tục là quốc gia có đóng góp rất lớn cho câu chuyện FDI của Việt Nam”, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, nhận định.

Bà Urawadee Sriphiromya, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, thì cho rằng Việt Nam còn có tiềm năng trở thành trung tâm kết nối hàng hóa đến Trung Quốc và các nước ASEAN, càng làm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư Thái.

 

Trước sự hào hứng của nhà đầu tư Thái, thị trường Việt Nam chứng kiến các tập đoàn khổng lồ của xứ sở chùa vàng đã trở thành cổ đông lớn, thậm chí chi phối hàng chục doanh nghiệp lớn, nhỏ của Việt Nam. Sau đó, các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đều trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, đem về cho nhà đầu tư Thái hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Chẳng hạn, kể từ khi bắt đầu gián tiếp nắm cổ phần tại Vinamilk đến nay, tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã bỏ túi gần 15.000 tỉ đồng cổ tức. Sự hấp dẫn của Vinamilk khiến mới đây F&N Dairy Investments, tổ chức liên quan đến tỉ phú này, tiếp tục chi hàng ngàn tỉ đồng để đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu VNM. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ sở hữu của người Thái tại Vinamilk sẽ tăng lên 18,69%.

Sau hơn 8 năm thâu tóm Sabeco, tập đoàn của tỉ phú này cũng thu về hơn 12.000 tỉ đồng cổ tức từ hãng bia Việt Nam. Hay từ khi The Nawaplastic Industries, thành viên của SCG (Thái Lan), trở thành cổ đông lớn năm 2012 của Nhựa Bình Minh, tổng số tiền cổ tức chảy về túi người Thái ước tính vào khoảng 2.300 tỉ đồng. 

Ở mảng bán lẻ, TCC Group của Thái Lan mua lại hệ thống FamilyMart và đổi tên thành B’s mart, rồi tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động bằng việc mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry và đổi tên thành MM Mega Market. Nhà bán lẻ Thái khác là Central Group cũng đang thực hiện tham vọng trở thành chuỗi bán lẻ số 1 tại Việt Nam khi sở hữu hàng loạt thương hiệu như Nguyễn Kim, Tops Market, GO!... Nhiều quỹ đầu tư lớn của Thái Lan cũng đang đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam như Kasikorn Asset Management, Principal Vietnam Equity Fund, Bualuang Vietnam Equity Fund, Asset Plus Vietnam Growth RMF Fund... 

Có thể thấy, trong giai đoạn 2018-2020, Thái Lan là một trong những nhà đầu tư sôi động nhất trong hoạt động M&A tại Việt Nam, đạt đỉnh 989 triệu USD vào năm 2020, chủ yếu nhờ vào nhiều thương vụ trong mảng năng lượng. Sau thời gian chậm lại vì dịch bệnh COVID-19, năm 2024 đầu tư của Thái Lan tiếp tục tăng tốc vào Việt Nam. Thái Lan đã lấy lại vị trí nhà đầu tư hàng đầu trong hoạt động M&A “inbound” với sự tham gia của một thương vụ lớn trị giá 870 triệu USD giữa Tập đoàn SCBX và Home Credit.

Bên cạnh đó, 4/5 ngân hàng lớn nhất Thái Lan trực tiếp hoặc gián tiếp đã có mặt tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Đó là Siam Commercial Bank - SCB, Ngân hàng Ayudhya (Krungsri), Bangkok Bank và Kasikornbank (KBank).

Đáng chú ý, ông Pipit Aneaknithi, Chủ tịch KBank, công bố kế hoạch rót hơn 1 tỉ USD để tăng sự hiện diện tại Việt Nam từ nay đến năm 2027. Các ngân hàng này nhắm đến tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn rất lớn. Hiện nay, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chiếm khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, ở người láng giềng Trung Quốc, tỉ lệ này là 21%, ASEAN là khoảng 34%. Ông Pipit Aneaknithi cũng khẳng định ngân hàng này nhìn thấy cơ hội khi hơn 97% doanh nghiệp ở Việt Nam là SME nhưng chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng.

Dòng vốn mạnh giúp nhà đầu tư Thái phủ kín nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, từ tiêu dùng, bán lẻ, nông nghiệp, hóa dầu đến năng lượng, sản xuất... Đồng thời, tham vọng lớn trong ngành tài chính ngân hàng mới đây cho thấy người Thái đang khép kín hệ sinh thái Thái Lan để cạnh tranh với các nhà đầu tư Hàn, Nhật... trong chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam vững chắc.

Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm hơn của  nền kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư nước này gia tăng M&A ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, theo bà Pavida Pananond, Phó Giáo sư Kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat (Bangkok), chính sách thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn của Chính phủ có thể đẩy nhanh kế hoạch rót vốn ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái. Với dòng tiền tốt đang mang lại cho nhà đầu tư Thái trong nhiều năm qua, Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục là điểm đến của làn sóng đầu tư từ Thái Lan.