Ngọc Thủy Thứ Ba | 22/05/2018 09:00

Mảng “xám” của Bách Hóa Xanh

Thế Giới Di Động đã phải đóng 3 cửa hàng Bách Hóa Xanh và chỉ mở thêm 72 cửa hàng trong quý I năm nay.

Mới đây, khi Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) tổ chức buổi gặp mặt giới phân tích và nhà đầu tư, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại cho tương lai chuỗi cửa hàng thực phẩm Bách Hóa Xanh của công ty này.

Thu hẹp để điều chỉnh

Trước đây, thị trường từng nghe đến kế hoạch MWG sẽ tăng độ phủ lên 1.000 cửa hàng ngay trong năm nay, từ con số 283 cửa hàng cuối năm 2017. Tính ra trung bình mỗi quý, MWG phải mở mới khoảng 200 cửa hàng. MWG còn đặt mục tiêu mỗi cửa hàng phải đạt doanh thu trên 1 tỉ đồng/tháng.

Nhưng thực tế, MWG đã phải đóng 3 cửa hàng và chỉ mở thêm 72 cửa hàng trong quý I năm nay. Mảng Bách Hóa Xanh của MWG cũng chưa đem về doanh thu như mong đợi khi doanh số trung bình mỗi cửa hàng chỉ đạt khoảng 700 triệu đồng/tháng. Không những vậy, MWG còn bị lỗ ở Bách Hóa  Xanh, với lỗ lũy kế 60 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với NCĐT gần đây, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc MWG, trấn an, tình hình ở Bách Hóa Xanh không đến mức bi quan như vậy. Năm 2018, khi nhận ra chiến lược đưa Bách Hóa Xanh thâm nhập sâu vào các khu dân cư có phần “hơi vội vàng”, MWG đã thay đổi về mặt chiến lược. Theo đó, các nhà lãnh đạo ở MWG quyết định rằng, với những cửa hàng Bách Hóa Xanh mở mới sau này, MWG sẽ ưu tiên đặt tại các trục đường dẫn vào khu dân cư, nơi có vị trí thuận tiện, đạt độ nhận biết cao... Kết quả, theo chia sẻ từ ông Doanh, gần 50 cửa hàng thiết lập trong khoảng 2 tháng gần đây đều ghi nhận doanh số trung bình trên 1,2 tỉ đồng/tháng/cửa hàng.

Với những cửa hàng cũ, MWG tìm cách phân loại cửa hàng và điều chỉnh bằng cách sử dụng hệ thống quản lý, tổ chức lại quầy kệ, cách thức sắp xếp để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Nhờ đó, theo thông tin MWG, dù giữ nguyên không gian trưng bày mỗi cửa hàng trung bình khoảng 160m2 nhưng số lượng hàng hóa và mã hàng mỗi cửa hàng đã tăng thêm hơn 30%. Doanh thu Bách Hóa Xanh cũng tăng dều ở mức 20-25%/tháng, ước đạt tới 300 tỉ đồng trong tháng 5 này, thay vì chỉ ở mức 220-240 tỉ đồng/tháng như trước đó.

Với những cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, khó tăng trưởng doanh thu, ông Doanh cho biết, Công ty chấp nhận đóng cửa. Ngoài 3 cửa hàng đã đóng trong quý I vừa qua, có khả năng MWG sẽ dừng hoạt động một số cửa hàng khác. Nhưng ông Doanh khẳng định, con số này sẽ không đáng kể.

Chiến lược phát triển Bách Hóa Xanh của MWG trong năm nay và các năm sau là tập trung thúc đẩy doanh thu ở mỗi cửa hàng, trên cơ sở linh hoạt. Theo chia sẻ của ông Doanh, Công ty sẽ không dừng lại những mô hình cửa hàng như hiện nay mà sẽ tổ chức thêm các mô hình bán lẻ thực phẩm khác, ở các mức độ quy mô khác nhau, tùy điều kiện, đặc điểm, xu hướng mua sắm thực tế.

Chẳng hạn, nếu mở Bách Hóa Xanh ở chợ, MWG sẽ mở những cửa hàng có diện tích sàn gấp đôi, gấp 3 lần quy mô trung bình ở cửa hàng Bách Hóa Xanh hiện nay. Nhưng trước mắt, MWG sẽ giảm chỉ tiêu số lượng cửa hàng xuống một nửa, còn khoảng 500 cửa hàng đến cuối năm nay. Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá cao điều chỉnh này của MWG và cho đây là bước đi hợp lý.

Bán rau không như điện thoại

Bách Hóa Xanh còn có một khó khăn khác, liên quan đến quản lý, quản trị. Trong một bài viết của mình, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, đánh giá: “Bán lẻ thực phẩm là lĩnh vực không dễ làm và là cuộc chơi dài hạn”. Ông Hòa bày tỏ lo ngại đến khả năng, những người lãnh đạo MWG, với kinh nghiệm và thành công ở chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, có thể chủ quan đem áp dụng mô hình cũ sang cho Bách Hóa Xanh. Trong khi đó, bán lẻ thực phẩm và bán lẻ sản phẩm công nghệ, điện máy là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Thực ra, từ lâu lãnh đạo MWG đã nhìn thấy các khó khăn này và tích cực thay đổi. Chẳng hạn, để giải bài toán phân loại sản phẩm, sắp xếp mã hàng hợp lý, nhanh chóng, hiệu quả cho Bách Hóa Xanh, MWG đầu tư mạnh các công cụ, hệ thống giúp phân loại hàng hóa tự động. Giờ đây, nhờ hoàn chỉnh các công cụ hỗ trợ, nhân viên ở Bách Hóa Xanh đã có thể quản lý 1.500-2.000 mã hàng, biết cách sắp xếp các mã hàng mới và chỉ cần quét mã, họ sẽ biết được hàng hóa ấy cần sắp xếp, trưng bày thế nào cho hài hòa, đạt hiệu quả.

Đối với vấn đề nhân sự, ông Trần Kinh Doanh xác nhận lãnh đạo MWG đều đang lo chung mọi hoạt động ở cả chuỗi Thế Giới Di Động,  Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Nhưng giúp việc cho Ban Giám đốc là đội ngũ nhân sự cấp dưới nhiều kinh nghiệm, nhạy bén, giỏi chuyên môn nghiệp vụ trong từng mảng.  Vì thế, theo ông Doanh, các khâu ở chuỗi Bách Hóa Xanh, từ làm việc với nhà sản xuất đến bán hàng tận tay người tiêu dùng đều trôi chảy, nhịp nhàng.

Mang “xam” cua Bach Hoa Xanh
 

Dù đang bị lỗ nhưng MWG vẫn theo đuổi mục tiêu dồn sức đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng cho mảng bán lẻ thực phẩm. Bởi MWG kỳ vọng, Bách Hóa Xanh sẽ sớm lớn mạnh và thoát lỗ. Ông Doanh cho biết, nếu thuận lợi, 3-5 năm tới, mảng bán lẻ thực phẩm sẽ đạt doanh thu ngang bằng với chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh gộp lại. Chậm nhất thì 5 năm sau, Bách Hóa Xanh sẽ đạt quy mô ngang với 2 mảng truyền thống của MWG.

Mang “xam” cua Bach Hoa Xanh
 

Cơ sở để MWG tin tưởng là quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm hơn 60 tỉ USD. Ngoài ra, thói quen mua sắm, đi chợ của người dân đã thay đổi. Khảo sát của Q&Me từng chỉ ra, mối bận tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam là chất lượng sản phẩm và gần 40% người được hỏi cho biết, họ đi siêu thị 1-2 lần/tuần. Những thay đổi này đã và sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thay thế hình thức đi chợ truyền thống và mua sắm qua các tiệm tạp hóa, hiện chiếm giữ hơn 90% thị phần.

Nhưng câu hỏi được đặt ra nhiều nhất cho Bách Hóa Xanh là vấn đề cạnh tranh gia tăng. Hiện nay, nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thực phẩm như Vinmart+, Satra, Saigon Co.op đều tăng tốc trên đường đua. Năm 2018, Satra đặt mục tiêu sẽ mở thêm 60 cửa hàng SatraFoods, Saigon Co.op cũng muốn mở thêm 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.op Smile và 50 cửa hàng tiện lợi Cheers. Liệu Bách Hóa Xanh có trụ vững trước áp lực cạnh tranh?

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, từng chia sẻ: “Trong một thị trường còn rộng lớn, các công ty không nhất thiết phải đi giành giật nhau. Vấn đề là ai giỏi hơn để lấy được thị phần từ đó ra”. Còn ông Trần Kinh Doanh nhìn nhận: “MWG không ngại bị cạnh tranh. Quan trọng là làm sao đưa cho người mua nhiều lựa chọn, bán hàng nhanh nhất, chất lượng nhất thì khách hàng sẽ tìm đến”