Thứ Ba | 29/01/2013 14:26

Mai Linh Group: 'Ông vua ốm yếu' của thị trường taxi

Hoạt động chính là vận tải (taxi, lữ hành), lữ hành du lịch, thương mại, dịch vụ bảo vệ.... Trong đó, trọng tâm là hoạt động taxi. Một trong những thành công của Mai Linh là đã gây dựng được hệ thống nhận diện thương hiệu với màu xanh đặc trưng.

Mặc dù là doanh nghiệp đầu ngành nhưng Mai Linh đã và đang thua lỗ liên tục trong những năm vừa qua. Mới đây, tập đoàn này tiếp tục gặp khó khăn với việc trả những khoản nợ vay lớn.

Các mốc sự kiện quan trọng:

- Ngày 12/07/1993: Công ty TNHH Du lịch- Thương mại- Vận tải Hành khách Mai Linh được ông Hồ Huy sáng lập với số vốn ban đầu 300 triệu đồng. Mai Linh khởi nghiệp từ lĩnh vực cho thuê xe, du lịch, đại lý vé máy bay với 2 đầu xe và 25 nhân sự hoạt động trên phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến tháng 4/1995, Mai Linh thành lập Xí nghiệp Sài Gòn Taxi, khai sinh dịch vụ Taxi Mai Linh.

- Ngày 06/06/2002: Công ty chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần.

- Tháng 08/2007: Mai Linh bắt đầu mở rộng hoạt động ra nước ngoài bằng việc thành lập công ty tại Mỹ, tiếp theo đó hoạt động kinh doanh tại Campuchia, Lào từ tháng 10 năm 2007.

- Ngày 01/11/2007: Mai Linh đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh

- Từ 2007-2009: Công ty lỗ ròng 224 tỷ đồng 3 năm liên tiếp. Thua lỗ liên tục, tài chính kém minh bạch khiến việc lên sàn của MLG trở nên khó khăn, cổ phiếu của Mai Linh thuộc nhóm có giá bèo với mức 2.000 đồng, giao dịch ảm đảm.

- Năm 2011: Với mức lỗ kỷ lục năm 2011, tính đến cuối năm 2011, lỗ lũy kế của Mai Linh Group tăng lên 439,7 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ.

-Tháng 9/2012: Mai Linh tăng vốn điều lệ lên 1017 tỷ đồng qua việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cho VOF Investment Limited.

- Cuối năm 2012: Mai Linh thiếu nguồn vốn trả nợ; chủ tịch Mai Linh thừa nhận có những sai lầm trong chiến lược.

---------------------------------------------------------

Cơ cấu tổ chức

Tính đến ngày 30/06/2012: Mai Linh đầu tư vào 59 công ty con và công ty liên kết với các lĩnh vực hoạt động kinh doanh taxi, vận tải, du lịch, dệt may, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, thiết kế và in bao bì, sửa chữa xe,..

Trong đó, công ty mẹ Tập đoàn Mai Linh trực tiếp đầu tư vào 10 công ty con; các công ty con theo vùng lại đầu tư vào các "công ty cháu" trực tiếp kinh doanh ở các tỉnh.

Lãnh đạo và sở hữu

Ông Hồ Huy hiện giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Mai Linh Group, ngoài ra, ông còn giữ chức chủ tịch của một số công ty thành viên.

Người thân của ông Huy cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tập đoàn.

Ngày 28/09/2012 Tập đoàn Mai Linh thực hiện chuyển đổi 50 tỷ trái phiếu chuyển đổi sang 14 triệu cổ phiếu cho VOF Investment Limited với mệnh giá 10 nghìn đồng/ cổ phiếu với tổng giá trị 141 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của VOF sau khi chuyển đổi là 13,85%.

Sau đợt phát hành này, ông Hồ Huy và vợ là bà Trần Thị Hồng Hạnh nắm giữ hơn 47% cổ phần.

Trong năm 2012, Indochina Capital đã thoái phần lớn cổ phần tại Mai Linh.

Tình hình kinh doanh

Bộ máy hoạt động cồng kềnh cùng với chiến lược đầu tư kém hiệu quả khiến doanh thu Mai Linh giảm mạnh, lợi nhuận bị ăn mòn. Tại thành phố HCM, thị phần hãng Taxi Mai Linh hiện đã tụt xuống vị trí thứ 2 sau Vinasun.

Doanh thu của Mai Linh tăng trưởng đều qua các tăng nhưng thường xuyên bị lỗ. Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do chi phí lãi vay lớn, chi phí quản lý cũng rất cao do bộ máy công ty con lớn.

Chiến lược của Mai Linh gặp sai lầm hơn khi tự tay dâng miếng bánh thị phần ở 2 thị trường lớn nhất cho 2 đối thủ, ở TP.HCM là Vinasun và ở Hà Nội là TaXiGroup. Trong khi Mai Linh rải vốn ra khắp cả nước thì các đối thủ lại phát triển theo kiểu tập trung hóa.

Vinasun đã khai thác tối đa thị trường tại các đô thị lớn phía Nam có nhu cầu đi lại bằng taxi cao và đã vươn lên số 1 về thị phần tại khu vực này. Trong khi Mai Linh có tới 60 công ty con thì Vinasun gần đây mới lập 1 công ty con tại Đà Nẵng để kinh doanh tại thị trường này.

Trong khi đó, tại những tỉnh thành có nhu cầu đi lại thấp Mai Linh vẫn tập trung đầu tư số đầu xe quá mức cần thiết, khiến hiệu suất khai thác taxi thấp dẫn đến thua lỗ.

“Công ty mẹ Mai Linh rót vốn vào gần 60 công ty con khắp cả nước, với tổng số vốn hàng ngàn tỉ đồng. Những năm qua các công ty con này chỉ trả cổ tức cho công ty ở mức 3-5%/năm, trong khi lãi suất Mai Linh vay từ người dân lên đến 18-25%/năm. Phần chênh lệch lãi suất này khiến chúng tôi lỗ nặng”, ông Hồ Huy thừa nhận.

Vay nợ quá lớn

Tính đến hết Q3/2012, tổng nợ phải trả của công ty mẹ Mai Linh Group là 2.280 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.000 tỷ đồng.

Đối với số liệu hợp nhất thì số liệu cũ hơn (tính đến 30/6/2012) thì tổng nợ phải trả lên đến gần 4.700 tỷ đồng; trong đó nợ ngắn hạn hơn 2.200 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu chỉ còn 475 tỷ đồng do lỗ lũy kế hợp nhất lên đến 469 tỷ đồng.

Nguy cơ vỡ nợ

Cuối năm 2012, Mai Linh được nhắc đến nhiều về nguy cơ không đủ khả năng trả nợ.

“Ba tháng nay, do khó khăn chúng tôi chưa trả được lãi cho người dân” - ông Hồ Huy, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, thừa nhận.

Chúng tôi vay tiền của 800 người, tổng số vốn vay khoảng 500 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn của những nhà hợp tác đầu tư, vốn nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên, cựu chiến binh để làm nguồn vốn lưu động và đầu tư cho hoạt động kinh doanh vận tải là chính.

Khi kinh tế tốt thì đây là nguồn vốn cực kỳ tốt, nhưng nền kinh tế khó khăn như lúc này đem đến khó khăn cực kỳ lớn cho doanh nghiệp. Lý do: đây là nguồn vốn ngắn hạn nhưng chúng tôi lại đem đi đầu tư dài hạn từ 5-10 năm nên không thể nào xử lý được. Đầu tư một chiếc taxi phải sau năm năm mới thu hồi vốn, lúc này chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả.

Tập đoàn này đang tính đến phương án bán khoảng 1.000 xe trong tổng số 10.000 xe taxi của mình để thu hồi vốn trả nợ vay.

(Theo CafeF)