Mai Linh đặt mục tiêu đến năm 2021 có 20.000 xe taxi công nghệ. Ảnh: Qúy Hòa

 
Minh Anh Thứ Năm | 30/07/2020 15:59

Mai Linh chọn đối đầu trực tiếp với taxi công nghệ

Trong thời điểm các hãng taxi truyền thống ngày càng thua lỗ, Mai Linh chọn hướng đối đầu trực diện với các đối thủ taxi công nghệ.

“Hòa nhập” với hãng taxi công nghệ 

Mai Linh đã chọn con đường cùng “hòa nhập” với hãng taxi công nghệ sau một thời gian thua lỗ kéo dài. Tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra vào 28.7, Mai Linh đặt mục tiêu đến năm 2021 có 20.000 xe taxi công nghệ nhằm đa dạng hóa mô hình kinh doanh và cạnh tranh “sòng phẳng” với các hãng taxi công nghệ khác.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, cho biết: “Công nghệ đã và đang phát triển như vũ bão, buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua số. Việc ra mắt dòng sản phẩm xe thông minh SmartCar cũng không nằm ngoài chiến lược của Tập đoàn Mai Linh”.

Theo đó, mô hình xe taxi công nghệ Smart Taxi và SmartCar sẽ được Mai Linh triển khai thí điểm tại Nghệ An. Khác với dòng taxi truyền thống, taxi công nghệ của Mai Linh sẽ dùng app để gọi xe và tích hợp thanh toán bằng nhiều loại thẻ, hạn chế dùng tiền mặt.

Ảnh: Qúy Hòa
. Ảnh: Qúy Hòa.

Năm 2019, số lượng xe hợp tác kinh doanh thu hút vào hệ thống của Mai Linh đạt 3.606 xe, đưa tổng số xe taxi của toàn hệ thống tính đến cuối năm 2019 là 17.057 xe. Với ưa thế đội xe vốn có, Mai Linh dễ dàng chuyển sang mô hình taxi công nghệ.

Ở lĩnh vực taxi truyền thống, khi doanh nghiệp mỗi năm phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc để đầu tư đội xe, mô hình taxi công nghệ mới cho phép Mai Linh có thể thu hút được các tài xế cá nhân tham gia hợp tác, tương tự như các hãng gọi xe công nghệ.

Mô hình taxi công nghệ của Mai Linh, khách hàng có thể đặt xe thông qua ứng dụng, qua tổng đài hoặc đón xe ở điểm bất kì. Toàn bộ cước phí sẽ được tính toán và hiển thị trên ứng dụng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh.

Ngoài ra, với các thiết bị SmartPOS gắn trên xe, khách hàng cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các loại thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện. thẻ MCC và Green Card do Tập đoàn Mai Linh phát hành…

Tài xế tham gia dịch vụ taxi công nghệ của Mai Linh không cần gắn đèn mui xe hay sơn lại màu xe nhưng vẫn được nhận khách tại các điểm tiếp thị của hãng, nhận chuyến từ khách hàng doanh nghiệp như tài xế taxi truyền thống.

Trong cuộc đua 4.0, taxi truyền thống tại Việt Nam đã tỏ ra hụt hơi trước các hãng xe công nghệ và để mất thị phần vào tay Grab. Mai Linh cũng không tránh khỏi khi liên tục thua lỗ trong vài năm trở lại đây. Năm 2017, kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh do âm vốn lưu động gần 1.300 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 800 tỉ đồng và đến cuối năm 2019, khoản lỗ này đã lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình taxi công nghệ có thể được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp truyền thống này.

Đa dạng mô hình kinh doanh

Bên cạnh việc mở rộng mô hình taxi công nghệ, Mai Linh sẽ tiếp tục tái cấu trúc, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh với việc phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong hệ sinh thái vận tải để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Hiện, Mai Linh còn mở rộng sang vận tải đường thủy, sắp đưa vào vận hành chính thức tàu cao tốc phục vụ khách du lịch tuyến Cần Thơ - Côn Đảo. Bên cạnh đó là các loại hình taxi, xe hợp đồng, xe cho thuê, xe bus, xe đường dài, tàu cao tốc; logistics đầu cuối...

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kết thúc 2019, tổng tài sản của Mai Linh đạt hơn 4.830 tỉ đồng, doanh thu thuần đạt hơn 2.216 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn năm 2019 có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018 do sự phát triển của các hãng taxi công nghệ.

Ảnh: Qúy Hòa
Ảnh: Qúy Hòa

Doanh thu từ hoạt động taxi/tổng doanh thu năm 2019 đạt 83,1%; tỉ lệ này tăng so với năm 2018 (81,3%), cho thấy taxi tiếp tục đóng vai trò là hoạt động kinh doanh chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Báo cáo tài chính hợp nhất cũng phản ánh chi phí tài chính bao gồm lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm so với cùng kỳ 2018, qua đó, cải thiện phần nào biên lợi nhuận gộp và hạn chế sức ép từ việc giảm doanh thu thuần vì tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Tập đoàn cũng ghi nhận thu nhập khác, lợi nhuận khác tích cực từ các khoản thanh lý trong quá trình tái cấu trúc, góp phần cải thiện nguồn thu.

Tổng tài sản của Tập đoàn giảm 3,4% so với cùng kỳ 2018 do tiếp tục tái cơ cấu tài chính, giảm nợ dài hạn. Tương ứng, tổng nợ phải trả đến cuối 2019 cũng đã giảm 4% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh việc mở rông mô hình kinh doanh, Mai Linh còn tích cực tái cơ cấu tài chính để cải thiện, tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh và thực hiện các mục tiêu xa hơn.

 

Dù đặt ra nhiều mục tiêu kinh doanh nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Mai Linh dè dặt đưa chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu thuần đạt 1.730 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 39 tỉ đồng, tăng số lượng xe cuối kỳ lên gần 30.000 xe.

Cũng phải nói thêm, cuộc đua của Mai Linh với các hãng taxi công nghệ chỉ mới manh nha và còn nhiều khó khăn, và đây là cuộc chơi vẫn trong giai đoạn đốt tiền. Mặc dù đang dẫn đầu thị phần trong lĩnh vực taxi công nghệ nhưng Grab vẫn liên tục báo lỗ.

Trong báo cáo tài chính năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Grab âm 51,7 tỉ đồng và lỗ tới 422 tỉ đồng trong năm 2015. Tới năm 2016, Grab vẫn lỗ 445 tỉ đồng, lỗ tăng vọt 789 tỉ đồng trong năm 2017. Đến năm 2018, Grab ghi nhận khoản lỗ khổng lồ lên tới 885 tỉ đồng. Ngoài Grab, beGroup hay GoJet cũng cho rằng đang trong giai đoạn thua lỗ và chấp nhận “đốt tiền" để mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới. Đây là thử thách khi Mai Linh bắt đầu bước chân vào cuộc đua ngốn nhiều tài lực này.

Có thể bạn quan tâm:

Mai Linh và giấc mơ xe điện