Sau một thời gian "mắc cạn", gần đây cây mắc ca mới bắt đầu “đâm hoa kết trái”. Ảnh: danviet

 
Minh Anh Thứ Sáu | 02/10/2020 13:41

Mắc ca: Từ "mắc cạn" đến hành trình tỉ đô

Với lộ trình mới, “nữ hoàng quả khô”, mắc ca được kỳ vọng sẽ mang về 1 tỉ USD vào 2023.

Mắc ca bắt đầu du nhập từ Úc vào Việt Nam từ những năm 1990, mãi đến 5 năm trở lại đây diện tích cây mắc ca mới được phát triển rầm rộ và được kỳ vọng là “cây tỉ đô”. Sau một thời gian "mắc cạn", gần đây cây mắc ca mới bắt đầu “đâm hoa kết trái”.

Bắt đầu trồng mắc ca từ năm 2011, đến nay 520 cây mắc ca trong vườn của ông Phạm Văn Sơn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu cho thu hoạch 7 tấn quả. Theo nhẩm tính của ông Sơn, với giá bán hiện nay 200 triệu đồng/tấn, trồng mắc ca đem lại thu nhập cao hơn hẳn so với trồng cà phê, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc lại thấp.

Hành trình đến tỉ đô

Tháng 3.2018, giữa lịch trình dày đặc của chuyến thăm chính thức Úc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với 12 tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu của nước này. Trước câu hỏi: Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ngành mắc ca ở Việt Nam không, có xem đây là ngành sản xuất nông nghiệp hay không?

“Mắc ca ở Việt Nam tốt hơn ở Úc”, vừa nói Thủ tướng vừa cầm một hộp mắc ca Made in Vietnam mời các nhà đầu tư Úc thưởng thức. 

Tiếp sau lời Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chia sẻ trên thị trường thế giới, nguồn cung mắc ca không đáp ứng đủ cầu. Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng cây mắc ca hơn 20 năm nay. Trong nhóm các đối tượng sản xuất có giá trị cao, mang về kinh tế tốt cho nông dân và nhà đầu tư, cây mắc ca là đối tượng Chính phủ cho phép phát triển.

Nhu cầu về nhân hạt mắc ca trên thế giới đang gia tăng hằng năm và giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới trong 10 năm qua liên tục tăng. Mỗi kg hạt tươi tại Úc có giá khoảng 6 AUD (khoảng 100.000 đồng/kg). Trong khi đó, theo tính toán của các Hiệp hội trồng mắc ca, chi phí sản xuất ra 1 kg hạt mắc ca là dưới 25.000 đồng/kg.

Nếu cà phê cần 125 năm từ khi được đưa vào Việt Nam đến khi đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu thì mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều. Ảnh: khoahoc&doisong
Nếu cà phê cần 125 năm từ khi được đưa vào Việt Nam đến khi đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu thì mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều. Ảnh: khoahoc&doisong.

Tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây này, với diện tích trên 16.500 ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 154.000 ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch. Giá bán hạt mắc ca tại vườn khoảng từ 70.000-90.000 đồng/kg hạt tươi, giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200.000 đồng/kg.

Năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỉ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Ảnh:
Vườn mắc ca ở Lộc Nam, Lâm Đồng. Ảnh: giacaphe.

Con đường cất cánh

Theo quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mắc ca là loại cây có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm. Thủ tướng lấy ví dụ về cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1885, đến năm 1975, Việt Nam mới có 13.000 ha cà phê. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới. 

 

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết cây mắc ca đã vào Việt Nam được 20 năm, nhưng 5 năm qua là giai đoạn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu bài bản và đã chuẩn bị được những nền tảng rất cơ bản để đưa ngành hàng mắc ca phát triển với kỳ vọng cất cánh trong giai đoạn tới.

Theo dự báo, thời gian tới cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021-2030 và các năm sau đó.

Đặc biệt, dự báo về thị trường trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết nhóm 22 nước đang sử dụng sản phẩm mắc ca với dân số hơn 2,2 tỉ dân, có tốc độ sử dụng hàng năm tăng bình quân 8% và dự báo sẽ tăng với tốc độ tối thiểu như hiện tại và tiêu thụ ít nhất khoảng 130.300 tấn nhân vào năm 2030.

Ảnh:
Ngoài công dụng  ăn hằng ngày, hạt mắc ca còn dùng trong chế biến sữa hạt, dầu gội, dầu xả... Ảnh: 24h.

Đồng thời, người Việt Nam cũng đã bước đầu sử dụng sản phẩm mắc ca. Dự kiến, đến năm 2025 Việt Nam sẽ sử dụng với một lượng nhỏ (0,005 kg/người) và đến năm 2030 là 0,016 kg/người, nâng tổng lượng tiêu dùng lên 1.600 tấn nhân, tương ứng với trên 5.000 tấn hạt khô năm 2030.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, phân tích quy mô ngành hàng mắc-ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để chúng ta đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác.

Có thể bạn quan tâm:

► Nuôi dê công nghệ cao