Diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.
M&A Vietnam Forum 2022: “Kích hoạt những cơ hội mới”
Ngày 23/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022) lần thứ 14 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, Diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.
Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất. Thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỉ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1,05 nghìn tỉ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.
Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỉ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Tuy nhiên, tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỉ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỉ USD), bất động sản (gần 1 tỉ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD.
Nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa là tất cả các nền kinh tế khác cũng vậy. Thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua. Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.
M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. |
Tại Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và nợ xấu. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỉ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Những dấu hiệu trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
“Sự kiện thường niên uy tín về kênh đầu tư thông qua M&A năm nay sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A trong một thị trường đầy biến động, làm sao để tiếp tục thu hút dòng tiền từ các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm có lượng tiền dự trữ dồi dào đang tìm nơi rót vốn”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét.