M&A Việt Nam tăng trưởng 65%/năm
Tại diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 với chủ đề "Cơ hội trong thị trường 5 tỷ USD" tổ chức ngày 8/8 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.
Trong quá trình đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) không chỉ là một kênh thuần túy, mà trở thành giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp và hệ thống tài chính ngân hàng.
Thực tế tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay ước đạt 14,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 65%/năm trong giai đoạn 2009-2012. Trong năm 2012 và quý I/2013, 10 thương vụ M&A chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đạt giá trị hơn 3,2 tỷ USD; 10 thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 1,1 tỷ USD.
Năm 2013 cũng đang chứng kiến nhiều thương vụ mua bán sáp nhập với quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất công nghiệp, bất động sản đến dịch vụ. Trong quý I/2013 thị trường M&A diễn ra 14 thương vụ với tổng giá trị 675,5 triệu USD với những thương vụ quy mô lớn thuộc về bất động sản. Trong các nhà đầu tư nước ngoài thì Nhật Bản và các doanh nghiệp ASEAN đang tích cực tìm kiếm cơ hội mua lại cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông John Ditty, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Viet Nam & Cambodia, đánh giá Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn của hoạt động M&A với khả năng thu hút đầu tư không thua kém thậm chí hơn các nước trong khu vực. Hoạt động M&A vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ, trong đó nhà đầu tư chủ yếu từ Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản.
Thực tế trong lĩnh vực bất động sản, năm 2012 đã diễn ra 35 thương vụ mua bán và sát nhập với tổng giá trị 400 triệu USD gồm 6 thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại, 29 thương vụ chuyển nhượng trong nước. Các công ty có tiềm lực tài chính mạnh như Đất Xanh Group, Vingroup đẩy mạnh mua lại, hợp nhất các công ty nhỏ thuộc cùng lĩnh vực hoạt động. Đây cũng là xu thế chính trong các thương vụ M&A của các doanh nghiệp trong nước.
Theo dự báo của các chuyên gia năm 2013-2014 bất động sản vẫn có tiềm năng lớn, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế để mua lại những tài sản đang hoạt động, tọa lạc vị trí đắc địa, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước cũng gặp bất lợi vì những hạn chế về vốn, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại là những tập đoàn tài chính mạnh, họ cũng rất quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam, Warburg Pincus mua lại 20% cổ phần của Vingroup Retail Subsidiary mới đây là một thương vụ điển hình.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực ngân hàng, đến nay đã có 3 ngân hàng sáp nhập lại dưới sự giám sát của BIDV trong năm 2012, 2 ngân hàng sáp nhập trong quý I/2013 và 5 ngân hàng khác đang trong quá trình sáp nhập.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: Trong thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đã tìm được đối tác chiến lược của mình. Các tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đạt được thành tựa đáng kể; tăng năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính thông qua thặng dư vốn cổ phần.
Nhờ có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư chiến lược này, năng lực quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng Việt Nam được cải thiện đáng kể, thông qua việc cơ cấu lại bộ máy, hỗ trợ tư vấn, đào tạo của các tổ chức tín dụng nước ngoài, đồng thời mở rộng quan hệ đại lý và nâng cao thương hiệu thông qua đối tác tín dụng.
Nguồn Chinhphu.vn