Thứ Tư | 12/09/2012 16:19

M&A từ Singapore vào Việt Nam tăng vọt

Tổng giá trị các vụ M&A từ Singapore đổ vào Việt Nam trong năm nay đã lên tới ngưỡng kỷ lục 72 triệu USD.
Tính từ tháng 8/2011 đến hết tháng 7 năm nay, tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A)  tại Việt Nam đã lên tới 2,5 tỷ USD, ngưỡng cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua. Trong đó, tổng giá trị các vụ M&A từ Singapore đổ vào Việt Nam trong năm nay đã lên tới ngưỡng kỷ lục 72 triệu USD, chiếm tới 9% số thương vụ và 3% tổng giá trị M&A tại Việt Nam.

Như vậy, xét về giá trị, các thương vụ từ đảo quốc sư tử đã tăng tới hơn 3 lần so với mức 23 triệu USD trong năm trước.

Theo số liệu từ Mergermarket, kể từ tháng 8/2007 đến nay, các công ty Singapore đã đầu tư khoảng 203 triệu USD vào thị trường Việt Nam qua 10 thương vụ M&A. Hầu hết các thương vụ này đều nằm trong lĩnh vực công nghiệp và hóa chất khi có tới 4 thương vụ trong vòng 5 năm qua, 2 thương vụ trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học, 1 thương vụ trong lĩnh vực xây dựng, 1 trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, 1 trong giao thông vận tải và 1 trong ngành tài chính.

Trong đó, các thương vụ lớn phải kể đến vụ Fortis Healthcare International mua 65% cổ phần của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ với mức giá 64 triệu USD vào tháng 8 năm ngoái hay  thương vụ Jardine Cycle & Carriage mua lại 12% của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải với giá 41 triệu USD vào tháng 7/2008.

Trong khi đó, các nhà đầu tư từ Nhật Bản vẫn dẫn đầu về số lượng các vụ M&A khi có tới 8 thương vụ chỉ trong 12 tháng qua, chiếm 36% tổng số thương vụ với tổng giá trị lên tới 803 triệu USD.

Các nhà đầu tư Pháp tuy chỉ có 2 thương vụ nhưng lại đứng đầu về giá trị với 1,3 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất diễn ra vào tháng 2 năm nay khi ConocoPhillips (COP), hãng dầu lớn thứ 3 của Mỹ, đã đồng ý bán phần tài sản tại Việt Nam của mình với giá 1,3 tỷ USD cho đối tác của Pháp là công ty Perenco và rút khỏi Việt Nam sau hơn 15 năm hoạt động.

Việt Nam hiện đang trong quá trình cải tổ lại hệ thống doanh nghiệp quốc doanh, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh bằng cách đầu tư ngoài ngành. Việc Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp này thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, theo đánh giá, tiến trình còn diễn ra khá chậm.

"Mặc dù hệ thống tài chính vừa xảy ra một số biến động cùng với đó là những nghi ngại về 'sức khỏe' hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, triển vọng phát triển của Việt Nam vẫn là khá vững chắc. Do đó, những nhà đầu tư dài hạn sẽ được lợi", Jason Wright, Giám đốc điều hành tại Kroll Advisory Solutions khu vực Đông Nam Á nhận định.

Nguồn NDHMoney


Sự kiện