Ma trận thuế, phí ôtô con: “Trăm dâu” đổ đầu... người dùng
Ma trận thuế, phí
Hơn 1 năm trở lại đây, câu chuyện thuế và giá xe liên tục là đề tài nóng trên các diễn đàn báo chí và dư luận. Không ít người khấp khởi mừng khi mà mốc 2018 đến gần với viễn cảnh thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN về mức 0% thay vì mức từ 50-70% hiện nay, khi mà hàng loạt hiệp định thương mại với Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... được ký và hứa hẹn mở ra những cánh cửa mới cho xe nhập khẩu. Bộ Tài chính cũng góp phần làm rõ nét hơn bức tranh tươi đẹp đó với các đề xuất cụ thể về lộ trình giảm thuế.
Tuy nhiên, như một số chuyên gia kinh tế từng cảnh báo, thuế đánh vào mặt hàng xe hơi không thể tụt giảm quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Giá xe nhập cũng chẳng thể giảm sốc bởi ngay khi mà thuế nhập khẩu (NK) ôtô chưa giảm, liên bộ Tài chính - Công Thương đã “lăm lăm” bàn cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo thống kê của người sử dụng, hiện nay, để một chiếc ôtô được lăn bánh tại VN phải chịu tới 4 loại thuế và hàng loạt phí. Cụ thể là thuế NK nếu là nhập linh phụ kiện (10-30%), nếu nhập xe nguyên chiếc (từ 50-70%) tùy loại xe và tùy nguồn gốc NK. Tiếp đến là thuế TTĐB 40 - 60%, tùy theo dung tích xilanh xe. Thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp (của cơ sở kinh doanh ôtô) 22% cũng được tính vào giá xe.
Tiếp theo, ôtô phải “cõng” thêm nhiều loại phí lưu hành. Thứ nhất là phí trước bạ, cao nhất tới 10-15% và thứ hai là phí cấp biển số xe, cao nhất tới 2-20 triệu đồng nếu ở Hà Nội hoặc TPHCM. Để được lưu thông trên đường, người dùng còn phải nộp phí sử dụng đường bộ gồm phí thu qua trạm thu phí BOT và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 - 1.430.000 đồng/tháng tùy theo tải trọng xe. Bên cạnh đó, ôtô ở Việt Nam còn phải chịu phí kiểm định với mức 240.000 - 560.000 đồng một lần kiểm định; lệ phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, lệ phí môi trường... Chưa kể các loại phí “bất thành văn” trong quá trình vận hành chiếc ôtô.
Vỡ mộng hạ giá xe
Trong khi đó, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với xe hơi là một lộ trình còn khá xa. Cụ thể, thuế NK xe hơi giảm về mức 0% với các nước trong khu vực ASEAN là từ 2018. Còn với các FTA với Nhật Bản, EU, Hàn Quốc lộ trình còn dài hơn, thậm chí với TPP, lộ trình giảm thuế cho xe con không dưới 10 năm. Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo một đơn vị phân phối xe NK lớn tại Việt Nam cho biết với cách tính thuế TTĐB mới áp dụng theo Nghị định 108/2015, doanh nghiệp NK xe đang và sẽ đau đầu “làm phép” với các con số khi định giá bởi từ 1.1.2016, thuế NK cho xe nguyên chiếc gần như không giảm trong khi thuế TTĐB doanh nghiệp phải nộp tăng thêm ít nhất 5% do giá tính thuế và cách tính thuế thay đổi.
Do đó, giá xe nhập nguyên chiếc sau thuế về nguyên tắc sẽ phải tăng 5-7%. Còn với xe nội, giá xe về cơ bản không đổi. Tuy vậy, tất cả các doanh nghiệp xe tại VN đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi ngoài lắp ráp xe nội, các liên doanh trong nước cũng phân phối nhiều mẫu xe NK và vẫn phải có bài tính khi thuế TTĐB thay đổi. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh càng khiến bài toán giá trở nên khó giải với doanh nghiệp. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn thấp thỏm chờ bởi mức thuế TTĐB mới có thể sẽ tiếp tục có những điều chỉnh khi mà Quốc hội tạm hoãn bỏ phiếu về dự luật thuế TTĐB dự kiến áp dụng từ ngày 1.7.2016. Vì thế, người tiêu dùng đừng vội mơ giá xe sẽ hạ.
Nguồn Người lao động