M&A tống cựu nghênh tân
Năm 2014, làn sóng Mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam diễn ra rất sôi động. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, rất nhiều doanh nghiệp ngoại cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường hơn 90 triệu dân thông qua các thương vụ mua bán ấn tượng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt cũng đã bắt đầu thể hiện tầm nhìn chiến lược mang tính toàn cầu hơn thông qua việc thực hiện các thương vụ ở nước ngoài, ví dụ như FPT. Tuy vậy, điều đọng lại sau những thương vụ này là những hoài nghi về chiến lược mới, về vị thế của doanh nghiệp trong nước trước làn sóng xâm nhập của nước ngoài.
6 thương vụ mỗi tuần
Thương vụ Lexington, Icon 56, Galaxy 9 là một trong những thương vụ M&A nổi bật diễn ra đầu năm 2014. Ảnh: Trường Nikon |
Ðó là số lượng giao dịch M&A trung bình hàng tuần tại thị trường Việt Nam trong năm 2014. Năm qua chính là thời điểm đánh dấu sự phục hồi của các giao dịch M&A ở Việt Nam, sau khi hoạt động này sụt giảm hơn 50% giá trị trong năm ngoái. Thống kê đến ngày 23.12 vừa qua của Viện hợp nhất sáp nhập và liên minh (IMAA), một tổ chức theo dõi các thương vụ M&A trên toàn cầu, cho thấy Việt Nam đã chứng kiến 313 thương vụ M&A trong năm 2014, tăng nhẹ so với năm trước đó. Con số này bao gồm thương vụ giữa công ty Việt Nam với nhau, doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam đi mua tài sản ở nước ngoài.
Không dừng lại ở đó, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm nay cũng tăng 15% so với năm 2013, với giá trị lên hơn 2,5 tỉ USD. Như vậy, giá trị trung bình trên mỗi thương vụ đạt trên 8 triệu USD, tăng 12% so với năm ngoái. Có thể nói, con số này phản ánh một điều rằng các thương vụ M&A đã tập trung hơn vào các công ty lớn, có quy mô và tên tuổi trên thị trường.
“Sau giai đoạn 2011-2012 chứng kiến giá trị M&A cao, thì việc tăng giá trị M&A trong năm nay cũng nhờ vào các thương vụ lớn hơn đã xuất hiện. Tuy vậy, giá trị tuyệt đối này chưa thật sự nói cho chúng ta biết liệu các thương vụ này đã được định giá cao hay không. Về vấn đề này, ngoài việc căn cứ vào các tỉ lệ định giá hiện tại, ta cần phải đánh giá những triển vọng trong tương lai. Thực tế, có một số thương vụ M&A ở Việt Nam đã mang lại cho người mua những thành công nhất định, ví dụ tăng gấp đôi doanh thu và gấp 4 lần lợi nhuận”, Giáo sư Christopher Kummer, Chủ tịch IMAA, nhận xét.
Nhìn lại quá khứ, có thể thấy các hoạt động M&A chỉ bắt đầu nóng lên kể từ năm 2007, thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO). Giá trị các thương vụ M&A tăng dần cho đến năm 2012, năm kỷ lục với hơn 4,1 tỉ USD tổng giá trị. Nhưng kể từ đó, tăng trưởng của Việt Nam chậm lại cùng với việc các chương trình cải tổ nền kinh tế diễn ra không như mong đợi đã khiến niềm tin của giới đầu tư suy giảm.
Bước sang năm 2014, với động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cải cách một số luật lệ liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, cải thiện thủ tục hành chính và đặc biệt là giữ môi trường vĩ mô ổn định, cùng với mức tăng trưởng khả quan hơn đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong việc mua bán.
Các lĩnh vực diễn ra M&A và tỉ trọng tương ứng |
Quan sát chi tiết hơn vào từng lĩnh vực sẽ thấy một số xu hướng M&A nổi bật. Đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị. Điều này cũng không quá bất ngờ vì trong năm qua, thương vụ đình đám nhất là sự kiện Tập đoàn BJC của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chi đến 879 triệu USD để mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Metro. Rõ ràng, xu hướng tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân ở Việt Nam luôn là chiến lược cốt lõi mà các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đang thực hiện.
Ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với tỉ trọng 21% tổng giá trị các thương vụ M&A. Điển hình trong lĩnh vực này là việc Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho tập đoàn thực phẩm đến từ Mỹ Mondelēz International; một thương vụ có giá trị được loan báo lên đến 370 triệu USD. Trước đó, Kinh Đô đã thâu tóm 24% cổ phần của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) để dấn sâu hơn vào lĩnh vực mới mẻ này.
Đứng ở vị trí thứ 3 là lĩnh vực năng lượng (18%). Nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn trong tiêu dùng và phục vụ sản xuất đã khiến lĩnh vực này hấp dẫn để M&A. Ví dụ, năm qua, Công ty Cổ phần Cơ điện (REE) đã rất tích cực thâu tóm thêm cổ phần trong các doanh nghiệp thủy điện, nhiệt điện và chiến lược này dự kiến sẽ được tiếp tục trong các năm tới. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng dành nhiều sự quan tâm đến ngành năng lượng ở Việt Nam và điều này hứa hẹn sẽ thúc đẩy thêm nhiều thương vụ M&A trong thời gian tới.
Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là trong năm 2014, thị trường tài chính - nơi mà đáng lý ra nên có những thương vụ M&A lớn giữa các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu - đã không có một thương vụ đình đám nào xảy ra; ngoại trừ một vài giao dịch mua lại công ty tài chính từ một số ngân hàng hay M&A giữa các công ty chứng khoán với nhau.
Một số thương vụ rất được chờ đợi như giữa Maritime với Mekong Development Bank, ngân hàng nước ngoài mua GPBank hay giữa Sacombank và Ngân hàng Phương Nam vẫn chưa diễn ra. Đây là đặc điểm khác biệt so với năm 2013, khi thị trường chứng kiến làn sóng tập đoàn tài chính nước ngoài tích cực thâu tóm cổ phần các ngân hàng trong nước, cũng như giữa các ngân hàng trong nước với nhau như thương vụ HDBank mua Ngân hàng Đại Á.
Dường như, thị trường M&A ở Việt Nam sôi động hơn cũng nhờ vào diễn biến trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của IMAA, tính đến đầu tháng 12.2014, giá trị các thương vụ M&A ở ASEAN đã tăng đến 50% so với năm ngoái với giá trị 128 tỉ USD, cao nhất kể từ năm 2008. Theo dự đoán của tổ chức này, năm 2015, các giao dịch mua bán doanh nghiệp tại ASEAN có thể phá kỷ lục 148 tỉ USD đạt được hồi năm 2007.
Trên bình diện toàn cầu, theo ghi nhận của Tạp chí Nhà đầu tư Tổ chức (Insitutional Investor), 2014 là năm chứng kiến các hoạt động M&A trên toàn cầu phục hồi mạnh mẽ khi tăng 26% từ tháng 11.2013 đến tháng 11.2014, đạt tổng giá trị 3.300 tỉ USD.
Thống kê M&A tại Việt Nam 1992-2014 |
Một số thương vụ tiêu biểu năm 2014 |
2015: M&A sẽ nhộn nhịp hơn?
“Theo những thông tin về các thương vụ đang ở giai đoạn sắp kết thúc và ở giai đoạn chuẩn bị thì viễn cảnh hoạt động M&A ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. Xu hướng này dĩ nhiên sẽ còn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của khu vực và toàn cầu. Tôi cho rằng lĩnh vực hàng tiêu dùng và công nghiệp sẽ tiếp tục xuất hiện các thương vụ mua bán nhiều hơn”, Giáo sư Christopher Kummer chia sẻ với NCĐT.
Thật vậy, sau khoảng thời gian khó khăn vừa qua, số lượng doanh nghiệp Việt rơi rụng đã lên đến hàng chục ngàn mỗi năm. Sức khỏe của rất nhiều các công ty trong nước đang rất yếu ớt; và việc rơi vào tay các doanh nghiệp khác trong năm say là khó tránh khỏi.
Mới đây, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã phát đi thông điệp sẽ mua cổ phần của Tổng Công ty Bia rượu Sài Gòn một khi doanh nghiệp này tiến hành IPO, hay như động thái thâu tóm đối thủ Cholimex Foods của gã khổng lồ Masan. Bên cạnh đó, sự kiện IPO của hàng trăm doanh nghiệp nhà nước trong năm sau đều là những ví dụ cho nhận định trên.
Dù vậy, nếu nhìn vào diễn biến của các đợt IPO vừa qua của khối doanh nghiệp nhà nước, có thể thấy tâm lý hưng phấn đối với loại tài sản này chưa được ấn tượng. Theo ông Christopher, để loại tài sản này có thể hấp dẫn thì giống như nhiều quốc gia khác, doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam phải tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động trước khi có kế hoạch bán cổ phần ra công chúng. Dĩ nhiên, về khía cạnh hoạt động, các doanh nghiệp cũng cần phải chứng minh khả năng sinh lời ở một mức độ có thể hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và mang nhiều yếu tố tích cực, không thể không nhắc đến một nỗi lo đến từ động thái mua lại doanh nghiệp Việt ngày càng nhiều của khối ngoại. Điển hình là chỉ trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến những thương vụ ấn tượng đến từ các nhà đầu tư Nhật, Thái Lan; và các khoản đầu tư này đều nhắm đến lĩnh vực thiết yếu như phân phối và tiêu dùng. Trong khi trong ở chiều ngược lại, Kinh Đô để lại nhiều tiếc nuối khi tiếp tục lọt vào danh sách những doanh nghiệp bán tài sản và mảng kinh doanh cho nước ngoài, theo sau những thương hiệu Việt như Phở 24, vật liệu xây dựng Prime, kem đánh răng Dạ Lan, P/S, Diana, Bia Huda hay Tribeco.
Thực ra, về phía các doanh nghiệp, không thể phê phán việc chấp nhận để cho nước ngoài mua lại, một khi họ cảm thấy việc bán toàn bộ hay một phần tài sản của mình cho đối tác ngoại là điều hợp lý. Thậm chí, việc hợp tác này sẽ mang đến cơ hội để tiếp cận những thị trường mới, gia tăng doanh thu, có vốn mở rộng đầu tư hay nâng cấp công nghệ, năng lực quản trị. Tuy nhiên, nếu để xu hướng này tiếp tục diễn ra thì có thể một ngày nào đó, viễn cảnh thị trường Việt Nam hoàn toàn vắng bóng các thương hiệu Việt có chất lượng sẽ là điều có thể xảy ra.
Trên quan điểm cá nhân, ông Christopher, IMAA, cho rằng không nên lo lắng quá nhiều về vấn đề này. Theo ông, việc sở hữu của nhà đầu tư ngoại thực ra rất hữu ích cho quốc gia sở tại. “Những chủ sở hữu mới từ nước ngoài có mối quan tâm thực sự đến các công ty trong nước, mong muốn cải thiện chúng và nhờ đó tạo ra công ăn việc làm tốt hơn. Họ có thể đưa công ty lên một tầm vóc cao hơn và giúp cho các lĩnh vực cung ứng đạt một trình độ tốt hơn. Trên tổng thể, tác động của việc này là tích cực”, đại diện IMAA nhận xét.
Năm 2014 cũng chứng kiến một sự kiện đáng chú ý là doanh nghiệp Việt đã quan tâm nhiều hơn đến việc mua các tài sản bên ngoài, thay vì trực tiếp đầu tư như trước. Nổi bật hơn cả là việc Tập đoàn FPT mua lại 100% vốn của Công ty RWE IT (Slovakia). Thương vụ này được xem là cách để Chủ tịch Trương Gia Bình tấn công thị trường công nghệ thông tin ở châu Âu. Như vậy, FPT đã gia nhập hàng ngũ các đại gia như Vinamilk hay Viettel dám thực hiện các thương vụ M&A lớn ở nước ngoài với khát vọng cạnh tranh toàn cầu. Sự kiện này cũng có thể gợi ra một hướng đầu tư mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, xu hướng M&A sẽ ngày càng tăng trong 2015 vì năm sau là thời điểm quan trọng khi Việt Nam có thể sẽ chứng kiến các hiệp định kinh tế và thương mại lớn như TPP được ký kết. Lúc đó, cạnh tranh sẽ khó hơn và buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược hoạt động.
“M&A có thể là giải pháp giúp tạo nên những doanh nghiệp lớn hơn, giúp gia tăng thị phần hay có được công nghệ, sản phẩm tốt hơn. Các lĩnh vực có thể diễn ra M&A sôi động là ngân hàng, dệt may, tiêu dùng, nông nghiệp và có thể là bất động sản. M&A đó có thể là con đường đi rất tốt để xây dựng một công ty thành công”, ông Hiếu nói.
Nguồn Nhịp Cầu Đầu Tư