Hiện tại, Hóa dầu Petrolimex có lợi thế nổi bật nhờ bán dầu nhớt cho Tập đoàn mẹ là Petrolimex và bán cho khách hàng công nghiệp.
Ma sát tỉ USD trong thị trường dầu nhớt
Shell vừa công bố đã bán được 5 tỉ lít dầu nhớt và duy trì vị trí nhà cung cấp dầu nhờn hàng đầu thế giới năm 2019, với sự gia tăng nhẹ về thị phần, theo báo cáo của Kline & Company. Ở Việt Nam, Shell tuy xếp sau Castrol BP Petco, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex, Chevron, Total nhưng vẫn nằm trong nhóm các công ty chiếm thị phần lớn nhất, tới 60% thị phần ngành dầu nhớt động cơ ở Việt Nam.
Thị trường màu mỡ
Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ của các hãng dầu nhớt. Báo cáo Kline chỉ ra, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc trong danh sách các nước có lượng tiêu thụ xe 2 bánh lớn nhất toàn cầu. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến 85% phương tiện di chuyển trên đường là xe máy. Tại Việt Nam, hiện có hơn 46 triệu xe máy lưu thông. Và có trên 4 triệu ô tô đang lưu hành, tính đến cuối năm 2020, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Với mức tiêu thụ dầu nhớt bình quân xe máy là 3-4 lít/năm/xe, xe hơi 12-18 lít/năm, xe tải 120-160 lít/năm, quy mô thị trường dầu nhớt là rất lớn, khoảng 264 triệu lít, tương đương cả tỉ USD, theo báo cáo của Castrol. Con số này sẽ còn tăng khi ngành dầu nhớt ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 4-6%/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới (chỉ 1,5-2%), theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Điều này lý giải vì sao nhiều thương hiệu dầu nhớt đình đám của thế giới đã sớm nhảy vào thị trường Việt Nam như Castrol (của Castrol BP Petco), Mannol, Shell... Gần đây hơn, thị trường xuất hiện thêm các gương mặt mới như Vector, Rubik Elba (Elba Lubrication), Eurol...
Ông Martijn Pfeiffer, Tổng Giám đốc Eurol, từng nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong thời gian tới. Vì vậy, Eurol tính hợp tác với VMS-South trong việc cung cấp dầu nhờn, xây dựng nhà máy sản xuất dầu nhờn tại Việt Nam.
Cơ hội nào cho dầu nhớt nội?
Để giữ vững vị trí và đẩy mạnh hoạt động, hầu hết các hãng dầu nhớt lớn đều đặt nhà máy tại Việt Nam. Ví dụ, nhà máy của JX Nippon Oil & Energy có công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm, Mannol 30.000 tấn/năm, Castrol 25.000 tấn/năm, Idemitsu 15.000 tấn/năm. Các khoản đầu tư lớn, cùng thương hiệu nổi bật và nỗ lực bán hàng, marketing... đã giúp các hãng dầu nhớt mở rộng mạng lưới và gia tăng doanh số.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hơn 50% thị phần hiện tập trung tại miền Nam. Chỉ 30% ở phía Bắc và 15% ở miền Trung và Tây Nguyên. Như vậy, thị trường dầu nhớt vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là cơ hội cho các tên tuổi tiếp tục bành trướng và cho những người đến sau có thể chen chân vào thị trường này.
Thực tế, các hãng ngoại có những lợi thế riêng biệt trong ngành dầu nhớt. Đơn cử, thế mạnh của BP là có mặt ở hầu hết các quốc gia tiêu thụ dầu nhớt xe máy và là nhà cung cấp lớn nhất ở Ấn Độ. Hay dầu nhớt của Chevron không chỉ bán ở Việt Nam mà còn phổ biến ở Thái Lan, Philippines, Pakistan, Malaysia. Riêng Honda thì bán dầu nhớt theo thương hiệu riêng, cung cấp dưới dạng dầu chính hãng. Shell kinh doanh đa dạng sản phẩm cho đủ phương tiện từ xe máy, ô tô, xe chuyên dụng đến tàu biển.
Ngoài ra, ông Darren McPherson, Tổng Giám đốc Shell Việt Nam, cho biết Shell còn cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu nhớt bôi trơn như Shell LubeMatch (công cụ giới thiệu sản phẩm trực tuyến); Shell LubeAdvisor (công cụ tư vấn hướng dẫn); Shell LubeAnalyst (hệ thống cảnh báo sớm).
Tuy đã nằm trong nhóm dẫn đầu, Shell Việt Nam, Castrol BP Petco và những tên tuổi lớn khác vẫn tập trung nghiên cứu sản phẩm, tiếp thị, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi và đầu tư cho quảng cáo. Thậm chí, Castrol BP Petco còn tiên phong áp dụng mã xác thực hàng hóa để kiểm định, đảm bảo chất lượng cũng như góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Các thương hiệu nội địa như PVOil Lube, Petrolimex cũng không kém cạnh khi PVOil Lube bắt tay với Viettel và Vietcombank; Petrolimex hợp tác với Napas để triển khai các chương trình giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện tại, Hóa dầu Petrolimex có lợi thế nổi bật nhờ bán dầu nhớt cho Tập đoàn mẹ là Petrolimex và bán cho khách hàng công nghiệp. Ngoài ra, Công ty còn tận dụng hệ thống là các trạm xăng phủ kín cả nước để bán lẻ dầu nhớt. PVOil Lube cũng có kênh phân phối là các trạm xăng riêng, dù quy mô nhỏ hơn. Còn Công ty Hóa dầu Quân Đội có lợi thế là sản xuất theo đơn đặt hàng của quốc phòng. Một số thương hiệu như Grand Oil, Maxplus là OEM, còn Nikko chọn phân khúc cao cấp. Những cách thức này giúp các hãng dầu nhớt nội địa có được chỗ đứng trên thị trường.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hơn 50% thị phần hiện tập trung tại miền Nam. Chỉ 30% ở phía Bắc và 15% ở miền Trung và Tây Nguyên. |
Tuy nhiên, dầu nhớt nội vẫn yếu thế trước các đối thủ ngoại. Ngay Hóa dầu Petrolimex có sức cạnh tranh không cao khi sản phẩm của Công ty chủ yếu là dầu nhờn gốc khoáng, có chất lượng và giá thành thấp. Trong khi ở nhiều hãng ngoại, sản phẩm có đủ cả dầu nhờn gốc khoáng, dầu nhờn gốc tổng hợp, dầu nhờn bán tổng hợp. Chính sự đa dạng giúp các hãng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh.
Các hãng dầu nhớt nội địa cũng phải đương đầu với bài toán chạy đua tiếp cận kênh phân phối. Hiện ở Việt Nam, có khoảng 100.0000 điểm phân phối xăng nhớt khắp cả nước. Trong đó, tiệm rửa xe chiếm 15% hệ thống phân phối; các trạm bảo dưỡng, bảo trì chiếm 40%; Ngoài ra, dầu nhớt cũng được phân phối tại các trạm xăng, tiệm bán linh kiện rời.
Một rủi ro khác cho ngành dầu nhớt Việt Nam là giá nguyên liệu đầu vào phải phụ thuộc nhập khẩu và không có sự bảo hộ của Nhà nước. Vì vậy, giá đầu vào dầu nhớt sẽ biến động theo giá dầu thế giới. Rõ ràng, miếng bánh tỉ USD của ngành dầu nhớt Việt Nam nhiều hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức.