M&A ngành thực phẩm, làm sao để thoát khỏi lo ngại thâu tóm?
Hợp tác Lotte - Bibica rạn nứt do đối tác nước ngoài có tham vọng thâu tóm
Sự hợp tác giữa Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc và Công ty cổ phần Bibica (Bibica) thời gian gần đây thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận. Một phần bởi cả 2 đều là thương hiệu lớn, một phần do sự hợp tác giữa hai bên đã xuất hiện rạn nứt.
Lotte thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc mua lại hơn 30% cổ phần của Bibica vào đầu năm 2008. Với việc mua lại cổ phần này, Lotte kỳ vọng sẽ được hỗ trợ về khâu sản xuất và phân phối sản phẩm, do Bibica có sẵn 20.000 điểm bán hàng. Trong khi đó, phía Bibica sẽ được Lotte hỗ trợ xây dựng 2 nhà máy gồm Bibica Miền Đông giai đoạn 2 và nhà máy Bibica Miền Bắc; Bibica cũng sẽ là nhà phân phối sản phẩm của Lotte tại thị trường Việt Nam.
Sự hợp tác của Lotte và Bibica ban đầu khá thuận lợi khi lợi nhuận năm 2009 của Bibica tăng hơn 175% so với năm 2008. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi từ năm 2010, khi doanh thu của Bibica tăng 23%, song lợi nhuận lại giảm 27%. Bước sang năm 2011, doanh thu của Bibica tiếp tục tăng 26%, nhưng lợi nhuận lại chỉ tăng 11%.
Và vết rạn nứt trong quan hệ giữa Lotte và Bibica thực sự thu hút được dư luận khi Lotte đưa ra yêu sách đưa thêm Lotte vào trước tên gọi Bibica. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị cổ đông Bibica bác bỏ. Với tỷ lệ sở hữu trên 39% vốn điều lệ (Lotte có tăng tỷ lệ sở hữu trong 4 năm qua), Lotte hiện có 2 thành viên trong hội đồng quản trị của Bibica; đại diện của Lotte giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc tài chính Bibica.
Phát biểu với báo giới, ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bibica thẳng thắn cho biết, tham vọng của Lotte muốn biến Bibica thành công ty con đã tạo áp lực nặng nề cho lãnh đạo Bibica. Ông Chiến cũng thừa nhận, sự hợp tác giữa Lotte và Bibica chưa tốt, mới chỉ có một dây chuyền sản xuất bánh Lotte Pie đi vào hoạt động. "Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cổ phần phía Việt Nam vẫn cao hơn đối tác Hàn Quốc nên tôi nghĩ không dễ để Lotte thực hiện được mục tiêu của mình." ông Trương Phú Chiến cho biết.
Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu trên 39%, và 2 thành viên trong hội đồng quản trị, Lotte có ảnh hưởng đáng kể tới hoạch định chiến lược phát triển của Bibica.
Hợp tác Kinh Đô - Glico vừa mới bắt đầu
Tháng 2/2012, Công ty TNHH Ezaki Glico chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Kinh Đô khi mua 14 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn cổ phần sua khi phát hành). Cùng với đó Kinh Đô chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Ezaki Glico tại thị trường Việt Nam.
Bước đầu, Kinh Đô sẽ phân phối sản phẩm Glico Pocky từ tháng 9/2012. Đây có thể là bước đi của Kinh Đô nhằm cạnh tranh với đối thủ Bibica, khi mà ngay trước đó Bibica đã bắt đầu phân phối sản phẩm Pepero của Lotte, một dạng đồ ăn vặt giống như Pocky của Glico. Ngoài ra, Kinh Đô kỳ vọng sự hợp tác với Ezaki Glico sẽ đem về doanh thu hơn 1.000 tỷ đông sau 4 năm.
Về phía Ezaki Glico, công ty Nhật Bản này sẽ không tốn thời gian và tiền của để xây dựng hệ thông phân phối. Thay vào đó, Glico phân phối các sản phẩm của mình thông qua 120.000 điểm bán lẻ của Kinh Đô trên toàn quốc.
Tới thời điểm hiện tại, Kinh Đô mới chỉ bắt đầu phân phối sản phẩm của Glico nên kết quả của sự hợp tác này vẫn chưa được kiểm chứng. Ngoài ra, với tỷ lệ sở hữu 10%, ảnh hưởng của Glico tới Kinh Đô không có tính quyết định như Lotte với Bibica. Các quyết định của Kinh Đô tại Đại hội cổ đông vẫn có thể được thông qua cho dù Glico có tán thành hay không.
Kirin Holdings hỗ trợ Interfood cả về kỹ thuật và tài chính
Trước khi hợp tác với Interfood (IFS), Kirin hợp tác cùng Acecook thành lập liên doanh Kirin Acecook. Tuy nhiên, sự hợp tác này không đem lại kết quả như mong muốn ban đầu. Kirin sản xuất đồ uống còn Acecook sản xuất mỳ gói; Tập đoàn thực phẩm của Nhật Bản không thể tận dụng hết được hệ thống phân phối của Acecook; cũng không thể sử dụng chung dây chuyền sản xuất.
Tháng 3/2011, Kirin Holdings mua lại 57,25% vốn điều lệ IFS từ Trade Ocean Holidings Sdn. Bhd. Vào ngày 7/6/2012, Kirin Holdings nâng tỷ lệ sở hữu tại IFS lên 80,37%; IFS trở thành công ty con của Kirin Holdings.
Tương tự như Lotte và Glico, Kirin Holdings sẽ tận dụng được hệ thống phân phối 110.000 đại lý của IFS. Ngoài ra, Kirin và IFS có thể tận dụng dây chuyền sản xuất của nhau. Cụ thể, Kirin sở hữu dây chuyền sản xuất nước đóng chai hiện đại trong khi IFS sở hữu dây chuyền nước đóng lon mà Kirin chưa đầu tư.
Về phía IFS, dù sản phẩm sản phẩm nước bi đao, nước yến mang thương hiệu Wonderfarms tiêu thụ khá tốt nhưng công ty vẫn liên tục bị lỗ từ năm 2008 tới nay do chi phí tài chính và chi phí bán hàng lớn. Ngoài hỗ trợ về mặt dây chuyền sản xuất, Kirin cam kết cho IFS vay hơn 34 triệu USD không tài sản đảm bảo, Kirin cũng sẽ bổ sung thêm sản phẩm Kira, Latte, Ice + vào danh mục sản phẩm của IFS. Kết quả bước đầu cho thấy, lỗ 9 tháng năm 2012 của IFS giảm mạnh so với cùng kỳ 2011 nhờ giảm chi phí tài chính.
Hợp tác Habeco và Carlsberg vẫn còn bỏ ngỏ
Ngày hôm nay (7/12), Habeco đã hoãn Đại hội cổ đông bất thường về việc bán thêm 13% cổ phần cho Carlsberg. Nếu được thông qua, tỷ lệ sở hữu của Carlsberg sẽ tăng lên 30%.
Đây không phải là sự hợp tác đầu tiên của Carlsberg và Habeco; thực tế 2 công ty này đã liên doanh thành lập nhà máy bia Bà Rịa-Vũng Tàu với công suất 50 triệu lít/năm.
Tại Việt Nam, Carlsberg cũng có một số đối tác khác; trong đó đáng chú ý là Nhà máy bia Đông Nam Á, liên doanh với Bia Việt Hà (Carlsberg sở hữu 60%). Nhà máy bia Đông Nam Á đang sản xuất các sản phẩm bia Carlsberg, Halida và Halida Thăng Long với đầy đủ các chủng loại lon và chai trên dây chuyền Draught Master của chính bia Carlsberg.
Sản phẩm Halida của công ty này có hệ thống phân phối chủ lực tại các tỉnh phía Bắc và giá bán sản phẩm cũng tương tự như Bia Hà Nội của Habeco. Do đó, mục đích Carlsberg hợp tác với Habeco vẫn đang bỏ ngỏ.
Nguồn Khampha