M&A Ngân hàng: To hơn chưa chắc tốt hơn
Dù những ngân hàng có vấn đề nhất đã được xử lý xong, nhưng bước sang mùa đại hội cổ đông năm 2014, nhiều ngân hàng lớn nhỏ lại đánh tiếng về ý muốn sáp nhập, dự báo một làn sóng M&A có vẻ còn gấp gáp hơn đợt trước. Ngay cả những ngân hàng được xem là kín tiếng như Bản Việt và những ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường như Vietcombank, Vietinbank cũng hé lộ ý định M&A.
Dồn dập sáp nhập
Hai đợt sáp nhập này có điểm khác biệt rõ rệt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu như đợt đầu tiên diễn ra dưới sức ép về sự an toàn thanh khoản của hệ thống thì đợt thứ hai này là dưới sức ép về chất lượng tài sản.
Đợt sáp nhập đầu tiên diễn ra trong bối cảnh lãi suất và lạm phát cao, các ngân hàng lớn nhỏ đang trong cao trào của cuộc đua lãi suất cao để tranh giành tiền gửi. Ngân hàng Nhà nước buộc phải thắt chặt tiền tệ để ổn định nền kinh tế. Hậu quả là thanh khoản nhiều ngân hàng bị thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy, trong cuộc sáp nhập đầu tiên giữa SCB, Tín Nghĩa và Ficombank, BIDV đã phải đứng ra hỗ trợ thanh khoản.
Còn đến giai đoạn này, các chỉ tiêu kinh tế cũng như hệ thống tài chính đã giảm dần sự bất ổn, nhưng nợ xấu ngày càng phình ra đã đe dọa nghiêm trọng không chỉ đến lợi nhuận mà còn cả vốn chủ sở hữu của các ngân hàng. Những khoản nợ không đòi lại được sẽ bị cấn trừ vào lợi nhuận, trừ hết lợi nhuận sẽ tiếp tục trừ vào vốn chủ sở hữu của ngân hàng. “Thậm chí có ngân hàng âm cả vốn chủ sở hữu”, ông Hiếu nói. Đó là lý do khiến nhiều ngân hàng phải tính kế sáp nhập.
Thế nhưng, điểm gây chú ý ở làn sóng này là sự xuất hiện của các “ông lớn”. Sacombank sáp nhập với Southern Bank, bất chấp sự phản đối của không ít cổ đông. Vietcombank hé lộ ý định sáp nhập với một ngân hàng khác, trong khi Vietinbank thông báo có thể mua lại PG Bank (ngay sau đó cả hai bên đều rút lại thông tin).
M&A chắc chắn sẽ mang lại cho ngân hàng mới hậu sáp nhập nhiều lợi điểm. Trước hết là quy mô ngân hàng được phình to ra nhanh chóng, mà nếu tự lực phát triển sẽ phải mất một thời gian khá dài.
Sự ổn định của SCB, hay kết quả kinh doanh tốt của TPBank sau khi Doji nhảy vào, giúp nhiều ngân hàng khác nhìn thấy những tín hiệu khả quan thời hậu sáp nhập, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định. Do đó, nhiều ngân hàng khác không muốn đứng ngoài cuộc tái cấu trúc này mà chủ động tham gia vào.
Điều đó đúng với các ngân hàng quy mô nhỏ, nhưng đối với các ngân hàng lớn như Vietcombank và Vietinbank liệu sáp nhập có mang lại lợi thế hơn so với chi phí bỏ ra?
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, 2 ngân hàng lớn này quyết định tham gia mua lại ngân hàng khác không đơn thuần vì động cơ kinh tế. “Bản thân họ đã quá lớn để quản lý cho hiệu quả”, ông Giang nói. Mặt khác, ông cho rằng bối cảnh kinh tế còn khó khăn nên các ngân hàng cũng không có nhiều động cơ để mở rộng thị trường.
Trên thực tế, trong thời kỳ khủng hoảng, việc các ngân hàng thương mại buộc phải sáp nhập với nhau dưới sức ép của ngân hàng trung ương là chuyện phổ biến. Gần nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều giảm số lượng ngân hàng thương mại.
Năm 1996, Thái Lan có 14 ngân hàng thương mại tư nhân nhưng đến năm 1997 đã giảm xuống còn 7 ngân hàng. Song song với việc giảm số lượng, Chính phủ Thái Lan cũng tăng cường quốc hữu hóa lĩnh vực ngân hàng (từ 1 ngân hàng thuộc chi phối của nhà nước tăng lên 7 ngân hàng). Câu chuyện cũng diễn ra tương tự ở Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc.
Để xử lý ngân hàng yếu kém, điều đầu tiên mà ngân hàng trung ương các nước này thực hiện là đánh giá lại nợ xấu ở các ngân hàng, thông qua một tổ chức độc lập. Sau đó, các khoản nợ xấu này sẽ được bán lại cho bên thứ ba có chuyên môn xử lý nợ, với tỉ lệ chiết khấu khoảng 30-50%.
Khoản lỗ do bán nợ xấu ngay lập tức được ghi nhận vào bảng cân đối của các ngân hàng, đồng nghĩa với việc vốn chủ sở hữu của các ngân hàng giảm xuống. Các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn. Lúc này, cổ đông hiện hữu phải rót thêm tiền, hoặc một nhà đầu tư khác nhảy vào, nếu không ngân hàng chỉ còn một con đường là sáp nhập với tổ chức tín dụng khác.
Thế nhưng, ở Việt Nam, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém lại không diễn ra như vậy. “Việt Nam cứ cho các ngân hàng sáp nhập với nhau trước, còn nợ xấu tới mức nào thì không được làm rõ”, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, đơn vị tư vấn đầu tư vào nhiều ngân hàng cho biết.
Theo ông Sơn, có nhiều nhà đầu tư quốc tế tìm đến quỹ đầu tư của ông để tìm hiểu các ngân hàng Việt Nam. “Thông thường họ yêu cầu xem lại danh mục tài sản và bắt các ngân hàng phải ghi lỗ hết số nợ trước khi rót thêm vốn vào”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, kết quả là hầu hết đều rút lui.
Rõ ràng, nợ xấu là mục tiêu lớn nhất cần xử lý trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, thế nhưng tỉ lệ nợ xấu là bao nhiêu lại trông chờ vào các ngân hàng tự công bố. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, nếu tự công bố thì các ngân hàng có nhiều động cơ để giấu nợ xấu, trước mắt là không phải trích lập dự phòng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, sau đó là chờ thị trường phục hồi hoặc được Ngân hàng Nhà nước giải cứu.
Một trong những cơ chế “chờ phục hồi” chính là quy định cho phép ngân hàng tự đánh giá nợ và được giữ nguyên nhóm nợ (theo tinh thần của Quyết định 780/2012 và Thông tư 09/2014). Ngay cả cơ quan được lập ra để xử lý nợ xấu là VAMC cũng hoạt động theo nguyên tắc thay vì ghi nhận khoản lỗ ngay lập tức thì lại chia đều thành 5 năm.
Không chỉ khác biệt về cách xử lý nợ xấu, câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam còn có những điểm đặc biệt khác. Không có tiền ngân sách, các phương án tái cấu trúc cho đến thời điểm hiện nay vẫn dựa vào nguyên tắc “tối thiểu chi phí”, từ hoạt động của VAMC cho đến việc khuyến khích các tổ chức tín dụng tự sáp nhập với nhau. Thị trường mua bán nợ cho đến lúc này vẫn được chủ trương chỉ sử dụng nguồn lực trong nước.
Theo một chuyên gia tư vấn chiến lược ngân hàng (không muốn nêu tên), có 2 hình thức xử lý: một là tận dụng nguồn lực dồi dào và kinh nghiệm xử lý nợ từ các tổ chức quốc tế, hai là tự mình xử lý. “Việt Nam đang lựa chọn hình thức tự mình xử lý và phải chấp nhận rằng quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian”, vị này nói.
Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Thái Lan có thể là bài học xương máu cho bất kỳ quốc gia nào.
Người Thái trải qua tới 3 giai đoạn để xử lý nợ. Bước đầu tiên là bản thân các ngân hàng tự xử lý, sau đó Chính phủ thành lập 4 đơn vị xử lý tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước nhưng đều không thành công. Mãi đến 4 năm sau (năm 2001), Thái Lan mới thành lập công ty xử lý nợ xấu tập trung là TAMC.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đưa ra lộ trình rõ ràng cho các ngân hàng, buộc phải tự mình tăng vốn trở lại, nếu không sẽ có sự can thiệp. Kết quả là cho dù có thận trọng bao nhiêu, đặc biệt là trong việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, thì cuối cùng người Thái cũng phải chấp nhận mở cửa.
Thái Lan được đánh giá là xử lý kém hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Năm 1997 tỉ lệ nợ xấu là 46% thì đến năm 2003 mới giảm về mức 12,9%. “Người Thái xử lý theo kiểu thận trọng, trong khi Malaysia kiên quyết và nhanh chóng thì mất chưa đến 5 năm để bình ổn lại hệ thống”, ông Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói.
Có vẻ như Việt Nam đang có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan trong những ngày đầu xử lý nợ xấu. Câu chuyện được quan tâm nhất hiện nay là Việt Nam có thể kết thúc theo con đường khác con đường mà người Thái đã đi hay không? Và bức tranh ngành ngân hàng sau khi làn sóng sáp nhập qua đi sẽ như thế nào?
Hậu M&A: Bức tranh nhiều bí ẩn
Bức tranh toàn cảnh ngân hàng thời hậu sáp nhập sẽ khác đi rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Dưới sức ép giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống, các ngân hàng có quy mô lớn hơn sẽ ra đời. Các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ dần biến mất.
Thế nhưng, những thay đổi đó chỉ mới là bề nổi của bức tranh ngân hàng, còn vấn đề nền tảng là nợ xấu và vốn chủ sở hữu thì vẫn còn nguyên.
Để xử lý một ngân hàng yếu kém bằng phương thức sáp nhập, cách duy nhất là phải sáp nhập với một ngân hàng có tiền thực để bổ sung vốn chủ sở hữu. Nếu không, thì phải có một nhà đầu tư khác bỏ tiền vào ngân hàng.
Quy mô ngân hàng lớn hơn sau sáp nhập còn mang đến những thách thức khác trong vấn đề quản trị. Bài học từ làn sóng “nâng cấp” ngân hàng “từ nông thôn lên thành thị” những năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Các ngân hàng to hơn không đồng nghĩa với việc an toàn hơn.
“Những người chủ cũ quản lý ngân hàng có vốn nhỏ không hiệu quả thì làm sao có thể quản lý ngân hàng lớn?”, ông Tuấn nhận định.
Tái cấu trúc ngân hàng không đơn thuần chỉ là xóa bỏ các tổ chức tín dụng yếu kém. Điều quan trọng nhất là thay đổi được những luật chơi mang lại rủi ro. Theo ông Tuấn, “một khi luật chơi không đổi, rất khó tránh khỏi những sai lầm tương tự trong quá khứ”.
Trong tương lai gần, câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng có vẻ sẽ có sự thay đổi lớn, khi nhìn vào 2 tín hiệu mới.
Thứ nhất là thương vụ ngân hàng Singapore UOB đang đàm phán mua lại toàn bộ GP Bank, ngân hàng cuối cùng trong danh sách ngân hàng yếu kém cần xử lý đợt đầu tiên. Nếu thương vụ này thành công, nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận sử dụng nguồn lực nước ngoài, một tín hiệu mở đường cho các thương vụ tiếp theo, sử dụng nguồn lực ngoại để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Yếu tố thứ hai là Thông tư 09, quy định khắt khe hơn về việc cơ cấu lại nợ. Có hiệu lực từ cuối tháng 3 vừa qua, Thông tư này được kỳ vọng sẽ giúp phản ánh chính xác hơn bức tranh nợ xấu. Bài học quốc tế cho thấy, minh bạch nợ xấu là bước đi đúng đắn đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Nguồn Gafin/NCĐT