M&A: Không thiếu những thương vụ “khó nuốt”
Sau một thời gian dài theo đuổi, cuối cùng nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã mua được lượng lớn cổ phần của Công ty Thương Mại Nguyễn Kim (sở hữu chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim). Đây là thương vụ M&A lớn đầu tiên thành công trong năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế, không có nhiều thương vụ đạt kết quả mỹ mãn như Central Group.
Đầu tiên có lẽ phải nhắc đến thương vụ Masan Consumer muốn sở hữu Cholimex Foods (dẫn đầu thị trường tương ớt tại Việt Nam). Năm ngoái, công ty này đã chào mua công khai Cholimex Foods với tỉ lệ 49% và thời gian thực hiện chỉ trong 1 tháng, đến 29.12.2014. Thế nhưng, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2014 cho thấy Masan Consumer mới chỉ sở hữu gần 33% cổ phần Cholimex Foods. Như vậy, Masan vẫn chưa hoàn thành kế hoạch chào mua ban đầu dù đã bước sang quý II/2015.
Trước đó, Công ty Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) đã chào mua công khai 64% cổ phần của Công ty Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (SBC) nhưng không thành. SBC hiện vận tải khoảng 70% sản lượng bia cho Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Với hệ thống phân phối khắp cả nước, dường như SBC đang trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.
Ngoài những thương vụ trên, còn nhiều trường hợp chào mua không thành công như VietinBank và Ngân hàng Nova Scotia, Mekong và Traphaco, PVOil và Comeco, FPT và EVN Telecom... Một nguyên nhân chính khiến nhiều thương vụ mua bán bất thành là do vấn đề giá cả.
Sabibeco, chẳng hạn, chào mua không thành công cổ phần SBC do giá biến động quá mạnh, gần gấp 3 lần mức chào mua ban đầu (11.500 đồng/cổ phiếu). Trong khi trước đó, cổ phiếu SBC chỉ dao động quanh mệnh giá suốt 3 năm liền. Chỉ riêng mức giá tăng mạnh đã khiến cho Sabibeco gặp khó. Đó là chưa tính đến chuyện nếu cổ đông lớn Sabeco (đang nắm giữ 25% cổ phần SBC) cũng muốn tranh mua SBC để thành công ty chuyên vận chuyển cho họ.
Thương vụ “nửa đường đứt gánh” giữa VietinBank và Nova Scotia (Canada) cũng rất đáng chú ý, vì tưởng như mọi việc đã hoàn thành thì ngay trước lúc chuyển tiền góp vốn như đã thỏa thuận, Nova Scotia lại yêu cầu bổ sung thêm điều kiện được hưởng toàn bộ cổ tức và thặng dư vốn trong năm 2011. Điều này làm giảm đáng kể giá mua cổ phần VietinBank so với thỏa thuận ban đầu là 22.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả là đường ai nấy đi. Nhờ đó, Tokyo Mitsubishi (Nhật) mới có cơ hội trở thành cổ đông chiến lược của VietinBank vào năm 2012.
Trong trường hợp Masan Consumer mua Cholimex Foods thì Cholimex và Nichirei Foods Inc. (giữ 60% cổ phần) quyết tâm “không bán, dù một phần hay toàn bộ” với lý do Công ty đang hoạt động kinh doanh rất hiệu quả. Đồng thời họ cho rằng “duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp đang cạnh tranh nhau là điều có lợi cho Cholimex Foods, người tiêu dùng và cho nền kinh tế nói chung”.
Trên thị trường cũng xuất hiện vài lời đồn đoán rằng mức giá mà Masan Consumer đưa ra còn thấp. Đây chỉ là tin đồn nhưng với mức giá mà Nichirei mua vào cách đây 3 năm là 85.000 đồng/cổ phần, dường như giá chào mua 90.000 đồng của Masan không mấy hấp dẫn. Trong khi đó, Cholimex Foods vẫn chia cổ tức đều đặn hằng năm từ 15-20%. Đó là lý do một số người cho rằng Masan sẽ còn mất nhiều thời gian và chi phí cho thương vụ này nếu vẫn muốn nắm giữ lượng lớn cổ phần Cholimex Foods.
Đến nay, Masan Consumer chỉ mới sở hữu gần 33% cổ phần Cholimex Foods |
Khó khăn trong việc M&A có vẻ như cũng đang xảy ra tại thương vụ Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) chào mua cổ phần Công ty Năm Bảy Bảy (NBB). Mới đây, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết NBB là một trong những lựa chọn ưu tiên cho CII Land trong CII Holdings vì công ty này có quỹ đất sạch, trình độ kỹ thuật, có sẵn nền tảng quản trị, lại đang niêm yết. Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, đến nay việc chào mua vẫn chưa thể hoàn thành bởi nếu cổ đông NBB yêu cầu giá M&A quá cao thì CII không thể theo được.
Hoàng Điền