Năm 2019, du khách người Việt Nam chi 15,5 tỉ USD, nhưng có đến 5,9 tỉ USD trong số đó “bay” ra nước ngoài.
M&A khách sạn tăng nhiệt
Mới đây, thương vụ M&A của một khách sạn 5 sao tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cho một nhà đầu tư ngoại. Đáng chú ý, toàn bộ công việc như thẩm định, đàm phán và ký kết hợp đồng, mở tài khoản trung gian, phê duyệt M&A và hoàn thành các thủ tục cập nhật giấy chứng nhận đầu tư đều được thực hiện online thông qua một hãng tư vấn luật tại Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng đầu tư khách sạn toàn cầu năm 2021 của JLL cho biết 70% các nhà đầu tư sẽ nhắm đến các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương. Khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt 35 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nihat Ercan, Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư JLL châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Những thông tin tích cực về việc triển khai vaccine và dấu hiệu phục hồi ngành du lịch đã bắt đầu khiến các nhà đầu tư phải tính toán từ bây giờ nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội. Chu kỳ đã được thiết lập và chúng ta đang bước vào giai đoạn phục hồi”.
Theo Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản, nhu cầu của nhiều nhà đầu tư đặt mua nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam tăng lên trong thời gian gần đây. Chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng, tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng 8.000-10.000 tỉ đồng. Tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành hoặc xây dựng dở dang, đất dự án. Có thể thấy xét trên khía cạnh M&A, thị trường nhà hàng, khách sạn và du lịch Việt Nam đang là một trong những địa điểm hàng đầu được giới đầu tư quan tâm.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, cho biết, kể từ khi đại dịch bùng phát, 95% khách sạn ở Nha Trang đã đóng cửa, phần còn lại chủ yếu hoạt động như các cơ sở cách ly tạm thời. Một bức tranh ảm đạm tương tự cũng được ghi nhận tại các điểm nóng du lịch khác, bao gồm Vũng Tàu, Hội An và Đà Nẵng. Vào năm 2015-2019, thời kỳ hoàng kim của lĩnh vực du lịch và bất động sản Nha Trang, nhiều doanh nghiệp phi du lịch và các cá nhân giàu có đã xây dựng hoặc mua khách sạn trong thành phố và thuê người điều hành chúng. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, sau khi du lịch bị dịch bệnh tàn phá, hầu như không có khách quốc tế và ít khách nội địa, nhiều người đã buộc phải bán để cắt lỗ.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong nửa đầu năm 2021, TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động; các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019... Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 cùng lệnh giãn cách kéo dài sẽ khiến các con số này ảm đạm hơn.
Hiện nay, phần lớn du khách không thể bay đi đâu được nữa, nên đành phải “gãi tạm chỗ ngứa” bằng những chuyến du lịch trong nước. Ảnh: Quý Hoà |
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành, cách đây 5 tháng, xu thế bán dự án được dự báo sẽ gia tăng và nay điều này đã rõ ràng hơn. Dòng tiền kinh doanh cạn kiệt khiến các nhà đầu tư nhỏ nếu không thể tiếp tục vay ngân hàng hoặc không phát hành được trái phiếu thì buộc phải bán dự án, cổ phần chi phối công ty sở hữu dự án. Như vậy, vào thời điểm này, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh đang đứng trước cơ hội thâu tóm nhiều tài sản ưng ý đi cùng khả năng ép giá mạnh mẽ.
Tiềm năng hậu đại dịch của ngành du lịch khách sạn Việt Nam cơ bản được đánh giá cao. Du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào GDP cả nước (chiếm khoảng 12%). Phân tích của hãng McKinsey cho thấy nhu cầu du lịch trong nước vẫn tiếp tục gia tăng, và sẽ phục hồi khá nhanh nhờ những ai không thể ra nước ngoài sẽ chuyển hướng sang tiêu tiền trong nước, ở một mức độ cao hơn cả năm 2019.
Năm 2019, du khách người Việt Nam chi 15,5 tỉ USD, nhưng có đến 5,9 tỉ USD trong số đó “bay” ra nước ngoài. Hiện nay, phần lớn du khách không thể bay đi đâu được nữa, nên đành phải “gãi tạm chỗ ngứa” bằng những chuyến du lịch trong nước. Nhìn về tương lai, theo dự báo của McKinsey, ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào năm 2024 nếu áp dụng nguyên tắc “không ca nhiễm”. Dù đã tạo được những “luồng gió mát” nhờ du lịch trong nước, nhưng Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỉ USD.
Phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á, trong đó khách Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế. Hợp tác kinh tế chặt chẽ với các nước này sẽ giúp Việt Nam phục hồi du lịch nhanh hơn so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, một số khách sạn đã nhanh nhạy hoán cải một phần cơ sở vật chất để trở thành các khu cách ly. Nhờ đó, công suất phòng một số khách sạn có chút cải thiện. “Nhìn chung, phân khúc khách sạn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam được định vị tốt trong khu vực cho nhu cầu “du lịch trả thù” sau đại dịch”, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, nhận định.