M&A hút vốn từ Vùng Vịnh
Tiền nhàn rỗi tăng đột biến cả ở cấp độ tổ chức lẫn cá nhân, tạo ra một nhu cầu săn lùng những điểm đến đầu tư để sinh lời. Việt Nam được cho là điểm đến hấp dẫn.
Dòng vốn truyền thống suy thoái
Thị trường M&A đang có sự chững lại về số lượng, quy mô thương vụ. Chỉ còn hơn tháng nữa kết thúc năm 2022, nhưng theo dữ liệu từ KPMG, kết thúc 10 tháng năm nay mới đạt khoảng 350 thương vụ, với tổng giá trị M&A 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cả năm 2021 đạt hơn 700 thương vụ. Giá trị trung bình mỗi thương vụ cũng giảm từ 31 triệu USD còn khoảng 15 triệu USD.
Tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỉ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng 1,2 tỉ USD, bất động sản gần 1 tỉ USD, công nghiệp 800 triệu USD. Đặc biệt, năng lượng đang trở thành ngành “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, trong bối cảnh tài chính - kinh tế trên thế giới khó khăn như hiện nay, việc vay tiền cho các hoạt động M&A không dễ dàng như trước. Chẳng hạn, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật trước đây đầu tư 100 USD vào Việt Nam, họ chỉ mất chi phí rất nhỏ, đến nay họ phải nhân gấp 20 lần chi phí đó lên.
“Suất chi phí đầu tư trong tương lai của các nền kinh tế này đang là một thách thức. Chúng tôi khuyến cáo các đối tác không nên vung tiền nhiều vào thời điểm này, phải rất cẩn trọng”, ông Ái nói. Dẫu vậy, theo ông Ái, thời điểm này sẽ là thị trường, là cơ hội của người mua, người có tiền. Đặc biệt là vai trò của nhà đầu tư nước ngoài khi nguồn tiền trong nước đang ngày càng hạn hẹp, lãi suất ngân hàng đang tăng cao.
Dòng vốn mới từ Vùng Vịnh
Vài năm trở lại đây các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Đặc biệt, nổi lên có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với tham vọng xây dựng chính phủ trên metaverse (vũ trụ ảo). Tháng 7/2022, Thái tử Dubai Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã đưa ra Chiến lược Dubai Metaverse. Chiến lược này đặt mục tiêu gia tăng thêm 4 tỉ USD vào GDP của Dubai, hỗ trợ 40.000 việc làm ảo vào năm 2030 và thu hút 1.000 công ty chuyên về công nghệ blockchain và metaverse.
Ông William Đỗ, CEO Quỹ đầu tư Hobbit Investment, đơn vị chuyên gọi vốn cho các dự án blockchain từ thị trường UAE, cho rằng Dubai đang được cho là thủ phủ của ngành blockchain thế giới vì rất nhiều quỹ đầu tư, dự án và các chuyên gia lần lượt đổ về đây để xây dựng và phát triển. Ông cũng tiết lộ Djinn Guild do Quỹ gọi vốn ở UAE vừa trở thành dự án đầu tiên và duy nhất được lựa chọn cho buổi gây quỹ kín MeteVestors Meet do Quỹ Dubai Future Foundation và Metacon tổ chức. Đây là dự án cung cấp những giải pháp cần thiết đến các dự án đang gặp khó khăn để tìm kiếm lối thoát cho các nhà phát hành game trong thị trường blockchain nói riêng và game truyền thống nói chung.
Không chỉ UAE, mà mạng lưới Abrahamic Circle (chuyên tập hợp các nhà đầu tư tại UAE và cả Israel) đã đưa Việt Nam vào một trong những mục tiêu ưu tiên tìm kiếm các dự án tiềm năng. Trong khi đó, Quỹ đầu tư nông nghiệp Amima, UAE dự kiến tháng 11 cũng sẽ tới Việt Nam. Chia sẻ với báo giới, ông Abdalatti Abuassi thuộc Amima cho biết khi đầu tư vào một quốc gia, Quỹ quan tâm đến sự cam kết, tính nhất quán và những thành tích của quốc gia ấy thời gian qua.
Với nền kinh tế có độ mở và tốc độ phát triển cao, thị trường tiềm năng với 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là “điểm đến mới” của các quỹ này. Những mảng đầu tư truyền thống của Vùng Vịnh từ trước đến nay thường là bất động sản, tài chính, du lịch. Nhưng với Việt Nam, họ muốn đầu tư vào nông nghiệp, năng lượng tái tạo và công nghệ như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo...
Vẫn còn quá sớm để nhận định kinh tế Việt Nam hưởng lợi đến đâu từ dòng vốn Vùng Vịnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, việc có thể thu hút thêm dòng vốn dồi dào từ các nước dầu mỏ là cần thiết và tạo thêm hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực công nghệ mới.