Sơn Nguyễn Thứ Năm | 08/03/2018 08:30

M&A cần thương vụ lớn để vượt mốc 8 tỉ USD

8,4 tỉ USD là tổng giá trị của các giao dịch mua bán và sáp nhập trong 2017, theo thống kê của Viện Hợp nhất, Thâu tóm và Liên minh Quốc tế.

Ngành nhựa dập dềnh sóng M&A

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động M&A trong năm 2018


Giá trị này tăng mạnh 45% so với năm trước và phần nào phản ánh những tín hiệu tự tin hơn từ giới đầu tư. Nhưng dưới viễn cảnh biến động ngày càng nhiều hơn trên thị trường tài chính thế giới và chính sách gia tăng bảo hộ thương mại của các quốc gia phát triển, liệu hoạt động M&A trong năm nay sẽ tiếp tục khả quan?

Các thương vụ lớn chi phối

Giảm về lượng nhưng tăng về chất có thể xem là đặc điểm nổi bật nhất của thị trường M&A năm ngoái. Kết quả ấn tượng đó là nhờ các thương vụ chuyển nhượng có giá trị lớn xảy ra nhiều hơn, nhất là tại những doanh nghiệp có thương hiệu lớn.

Đứng đầu bảng tổng sắp là thương vụ Sabeco bán 53% cổ phần cho ThaiBev với giá trị lên tới 4,8 tỉ USD. Đứng ở vị trí thứ 2 là việc hợp nhất của 2 công ty ngành đường Thành Thành Công Tây Ninh và Đường Biên Hòa với giá trị 484 triệu USD. Đứng thứ 3 là thương vụ nhà đầu tư Singapore Jardine Cycle & Carriage mua thêm 3,3% cổ phần Vinamilk với số tiền lên đến 396 triệu USD. Đó còn là các thương vụ mua bán đình đám trong lĩnh vực bất động sản, nhựa, bán lẻ, tài chính ngân hàng giúp cho giá trị M&A toàn thị trường ghi nhận kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên vượt ngưỡng hơn 8 tỉ USD!

M&A can thuong vu lon de vuot moc 8 ti USD
 

2017 cũng là năm thứ 4 liên tiếp chứng kiến giá trị M&A liên tục tăng sau khi suy giảm trong giai đoạn 2012-2013. Điều này phản ánh một điều là đi cùng với nền tảng kinh tế ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn đang quay trở lại, giới đầu tư trong và ngoài nước đã mạnh dạn trong việc mở hầu bao, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Đông Nam Á gần 100 triệu dân.

Dù vậy cũng có những điểm để quan ngại chút ít. “Số lượng giao dịch trong năm ngoái chỉ là 509, sụt giảm đến 23% so với năm trước. Dĩ nhiên việc giảm gần 1/4 này khiến cho tôi có chút âu lo”, Giáo sư Christopher Kummer, Chủ tịch IMMA, chia sẻ với NCĐT.

Xét về số lượng, lĩnh vực công nghiệp chính là nơi chứng kiến số lượng mua bán doanh nghiệp diễn ra nhiều nhất với 126 thương vụ. Kế tiếp là ngành nguyên vật liệu, ngành tiêu dùng thiết yếu và năng lượng. Đáng chú ý, bất động sản chứng kiến khoảng 35 thương vụ mua bán với giá trị lên đến 614 triệu USD, tương đương với thị trường tài chính và chỉ đứng sau lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu.

Có thể kể đến một số thương vụ mua bán điển hình trên thị trường nhà đất như CapitaLand thâu tóm dự án căn hộ tại quận 4, TP.HCM với giá trị 38 triệu USD. Công ty mới nổi An Gia Investment hợp lực cùng với quỹ đầu tư Nhật Creed Group thâu tóm một loạt dự án của Vạn Phát Hưng tại khu Nam. Tập đoàn Hưng Thịnh thâu tóm các lô đất cũ của các đối tác tại khu Nam TP.HCM và ở Cam Ranh (Khánh Hòa), Novaland thâu tóm dự án rộng 3ha tại trung tâm quận 5 từ VinaCapital với giá 41,2 triệu USD...

Vẫn kỳ vọng lớnPhân khúc văn phòng cho thuê cũng như thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Hà Nội tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ chuyển nhượng sôi động, đặc biệt đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Nhật.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 1,25 tỉ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào Việt Nam có thể chịu một chút tác động tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhưng tại một số lĩnh vực cơ bản, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết yếu của đại đa số người dân thì vẫn có thể giữ được sức nóng đáng kể.

Điển hình như trên thị trường bất động sản, làn sóng M&A dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ chính sách mở cửa, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho các nhà đầu tư ngoại gia nhập, đi cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. “Trong tương lai, M&A vẫn là xu hướng chính trên thị trường bất động sản Việt Nam. Để phát triển các dự án thực sự cao cấp, các chủ đầu tư Việt Nam cần nắm bắt được dòng vốn đầu tư nước ngoài”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nhận định.

M&A can thuong vu lon de vuot moc 8 ti USD
 

Một lĩnh vực chứng kiến làn sóng mua bán khá sôi động trong năm vừa qua là y tế với 13 thương vụ và 124 triệu USD giá trị được ghi nhận. Điển hình như Thế Giới Di Động thâu tóm chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, hay Công ty Đầu tư Sacom mua lại gần 5% Tổng Công ty Dược Việt Nam...

Có thể thấy lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ là tâm điểm của thị trường M&A khi ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhận thấy tiềm năng lớn từ sức tiêu thụ và cục diện cạnh tranh trên thị trường vẫn còn phân mảnh.

Dù vậy, yếu tố dẫn dắt thị trường M&A vẫn đến từ làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Có thể kể các tên tuổi hàng đầu như Lọc hóa dầu Dung Quất, PV Oil, PV Power trong ngành dầu khí, các tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thương vụ cổ phần hóa Bến Thành Group, chuyển nhượng thêm một lượng lớn cổ phần tại Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Một số ngân hàng do Nhà nước chi phối có thể tiếp tục bán một lượng lớn cổ phần cho các đối tác chiến lược bên ngoài để huy động thêm vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020...

Chia sẻ nhận định về xu hướng M&A 2018, đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết cơ hội và dư địa để M&A tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất là rất lớn. M&A của năm 2018 có thể thiên về bất động sản, thậm chí chiếm tới 80-90% tổng lượng giao dịch.

“Dễ thấy một điểm đặc trưng của thị tường M&A tại Việt Nam là thường được quyết định bởi số ít các thương vụ có giá trị lớn. Một vài thương vụ này đến từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Dù vậy, cũng không loại trừ khả năng số lượng thương vụ sẽ tiếp tục giảm nếu chứng kiến kết quả ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay”, Giáo sư Christopher Kummer phân tích.

Thực tế trong 2 tháng đầu năm mới, IMMA ghi nhận đã có 51 thương vụ M&A diễn ra tại thị trường Việt Nam với giá trị 246 triệu USD, tương ứng giảm 50% về lượng nhưng tăng mạnh 118% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để suy đoán về kết quả đạt được của năm nay nhưng tin rằng, sự gia tăng quan tâm của các nhà đầu tư từ bên ngoài sẽ là bệ đỡ để các giao dịch mua bán doanh nghiệp diễn ra sôi động trong năm nay, nhất là về quy mô đầu tư.

Chỉ số chứng khoán VN-Index duy trì ở mức cao hiện tại cũng là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân xem xét chuyển nhượng một phần vốn cho đối tác ngoại để thu hút thêm đối tác chiến lược bên ngoài. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược và tài chính nước ngoài, đặc biệt đến từ châu Á. Bên cạnh đó là các công ty nội địa sẽ gia tăng đầu tư ra nước ngoài để cải thiện năng lực cạnh tranh”, Giáo sư Christopher Kummer nói.