Luyện kim Phú Thịnh năm 2011 thoát lỗ nhờ lãi cho cổ đông vay
Tại ngày 30/6/2012, PTK có khoản lợi nhuận chưa phân phối hơn 14 tỷ đồng, trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2012 đạt lợi nhuận sau thuế hơn 5,5 tỷ đồng (bằng 28% kế hoạch cả năm), lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cuối tháng 6/2012 là 336 đồng. Công ty đặt kế hoạch trả cổ tức năm 2012 tỷ lệ 7%.
Năm 2011 thoát lỗ nhờ khoản lãi tiền cho cổ đông cá nhân vay
Theo báo cáo kiểm toán 6 tháng năm 2012, khoản đầu tư dài hạn của PTK tại 30/6/2012 có giá trị 237,5 tỷ đồng, bao gồm khoản 167,5 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với CTCP Chì kẽm Yên Bái và 70 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Yên Bái, Lào Cai.
Trong khi đó, khoản tiền 131,5 tỷ đồng cho ông Lê Văn Cương (cổ đông nắm 4,63% vốn điều lệ) vay đến 30/6/2012 đã không còn.
Theo Thuyết minh báo cáo tài chính, khoản tiền 131,5 tỷ đồng mà CTCP Luyện kim Phú Thịnh cho ông Lê Văn Cương Vay có thời hạn 19 tháng, từ 7/12/2010 đến 30/6/2012 (lãi vay trả 1 lần tại ngày tất toán hợp đồng vay). Lãi suất cho vay chia làm 2 giai đoạn: 0% tính từ ngày 7/12/2010 đến ngày 31/12/2010 và 17,5% tính từ ngày 1/1/2011 đến ngày 29/2/2012.
Trong năm 2011, khoản cho vay ông Lê Văn Cương đóng vai trò quan trọng trong báo cáo tài chính của công ty. Cụ thể, tại 31/12/2011, khoản đầu tư dài hạn (chỉ gồm khoản 131,5 tỷ đồng cho ông Lê Văn Cương vay) chiếm tới 80% vốn chủ sở hữu của công ty. Bên cạnh đó, lãi từ khoản tiền cho ông Lê Văn Cương vay đã giúp PTK thoát lỗ trong năm này.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất đã kiểm toán năm 2011, do giá vốn hàng bán lớn hơn doanh thu thuần, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PTK âm hơn 11,93 tỷ đồng, nhưng nhờ khoản lãi cho vay hơn 23 tỷ đồng (lãi từ khoảng 131,5 tỷ đồng cho ông Lê Văn Cương vay) mà công ty có lãi trở lại, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7,6 tỷ đồng trong năm 2011.
Tuy nhiên, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2011, công ty không phát sinh khoản thu nào liên quan đến khoản lãi cho vay hơn 23 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do tại hợp đồng cho vay, lãi của khoản vay này sẽ được trả 1 lần tại ngày tất toán (30/6/2012).
Theo điều 8 Nghị định 14/2007 và Nghị định 84/2010 của Thủ tướng, sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, để được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, hoạt động kinh doanh 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ lũy kế đến thời điểm đăng ký niêm yết. Như vậy, giả sử không có khoản tiền lãi cho vay ông Lê Văn Cương hạch toán trong báo cáo kết quả kinh doanh thì năm 2011 công ty sẽ lỗ và ít nhất phải đến năm 2014 PTK mới có thể niêm yết trên sàn.
Mối quan hệ "đặc biệt" với khoáng sản Tây Bắc và các công ty cùng ngành
Theo bản cáo bạch của PTK, 4/5 thành viên HĐQT công ty từng công tác tại CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc ( KTB), gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Tiến, thành viên HĐQT Lê Thanh Tân, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Văn Thái (kiêm Phó Tổng giám đốc), trong Ban Kiểm soát cũng có 1/3 thành viên từng làm ở KTB.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 10/2011, bà Nguyễn Thị Hiên (hiện là Chủ tịch HĐQT KTB) giữ chức Tổng giám đốc PTK với số cổ phần nắm giữ là 40 triệu đơn vị (chiếm tới 80% vốn điều lệ).
Sau đó, theo giấy chứng nhận kinh doanh thay đổi lần thứ 6 ngày 25/10/2011, bà Nguyễn Thị Hoa thay bà Nguyễn Thị Hiên làm Tổng giám đốc. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Hoa thay bà Nguyễn Thị Hiên làm cổ đông chính của công ty với số vốn và tỷ lệ vốn của bà Nguyễn Thị Hiên đã đăng ký ban đầu.
Đến ngày 30/5/2012, bà Nguyễn Thị Hoa chuyển giao chức danh Tổng Giám đốc sang ông Thái Bá Hiền. Tại ngày 30/6/2012, trong cơ cấu vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị Hoa chỉ còn nắm giữ 500.000 cổ phần, tương đương 2,315% vốn điều lệ công ty.
Trong kỳ, bà Nguyễn Thị Hoa, bà Trịnh Thị Hòa, ông Ngô Văn Hiến đã chuyển nhượng tổng cộng số vốn góp trị giá 211 tỷ đồng cho ông Lê Văn Cương, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Vũ Văn Hải, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, bà Lê Thị Oanh, bà Vũ Thị Thu mỗi người 10 tỷ đồng và nhóm nhà đầu tư khác nhận chuyển nhượng gần 151 tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch của PTK, bà Nguyễn Thị Hoa là vợ của ông Nguyễn Văn Công (thành viên Ban Kiểm soát PTK và từng là cán bộ kỹ thuật tại KTB). Ông Nguyễn Văn Dũng là anh trai của bà Nguyễn Thị Hiên (chủ tịch HĐQT KTB), ông Dũng vừa qua đã thoái toàn bộ cổ phần nắm giữ tại KTB.
Ngoài KTB, ông Nguyễn Hồng Tiến - Chủ tịch PTK hiện cũng là thành viên Ban kiểm soát của Tổng CTCP Khoáng sản Na Rì - Hamico ( KSS), Phạm Hồng Thảo - thành viên Ban Kiểm soát PTK trước đây là Trưởng phòng vật tư KSS. Ông Nguyễn Văn Dũng cũng là anh trai của ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KSS.
Như vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa các thành viên trong 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác khoáng sản là PTK, KSS và KTB. Hiện tại, PTK cũng đang có 2 hợp đồng khai thác lớn đang thực hiện với KSS và KTB với tổng trị giá 80 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong 3 công ty, riêng KSS lợi nhuận giảm dần, đặc biệt bị âm tới 9,82 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2012.
Nguồn Khampha