Lướt sóng khoáng sản
Đầu tháng 11/2015 sau một số phiên “hồ hởi” một số nhóm ngành có xu hướng tăng cao và đột biến nhất ở nhóm khoáng sản do thông tin giá dầu Brent và WTI đầu tháng này đã có đợt tăng 3,5%. Theo đó, đẩy cổ phiếu dòng dầu khí như GAS, PGD, PGS có những ngày giao dịch khá tích cực.
Nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn và chấp nhận mức độ rủi ro cao có thể đầu tư cổ phiếu khoáng sản |
Những mã cổ phiếu như DHM, KSA, KHB, BGM, BAM… cũng có những ngày tăng trần sau một thời gian bị quên lãng. Ở nhóm ngành này, với lượng thanh khoản vẫn duy trì ổn định tại mức như hiện tại, cổ phiếu nhóm này khó có thể thiết lập xu hướng bứt phá rõ rệt. Thay vào đó kịch bản tăng giảm đan xen trong kênh giá tăng nhằm tích lũy thêm giá trị.
Có điều, nếu nhà đầu tư theo dõi kỹ diễn biến của thị trường thì trong hơn tháng nay, dòng cổ phiếu này cũng thường có một vài phiên tăng mạnh đột biến nhưng sau đó không giữ được xu hướng tăng. Do đó, có thể nói rằng chưa kỳ vọng xu hướng tăng sẽ hình thành tại nhóm này nhưng khả năng sinh lời ở giai đoạn ngắn có thể có.
Đơn cử, thông tin mua vào cổ phiếu KSS có thể được phát đi từ đại hội cổ đông gần đây cho thấy KSS sẽ tái cấu trúc thông qua hợp tác, sáp nhập, kiến nghị chủ nợ gia hạn…
Chưa biết số phận của KSS sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào, nhưng kinh nghiệm cho thấy cổ phiếu này chẳng có cơ sở để bật tăng. Chưa kể, sự kiện người đứng đầu công ty bị bắt, cách đây vài tháng, nhiều nhà đầu tư nghĩ KSS sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản nên "bán đổ, bán tháo" nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng ấy thì đầu tháng này giá cổ phiếu này đã bật tăng trở lại.
Cùng với sóng cổ phiếu KSS, nhiều cổ phiếu dòng khoáng sản là BGM, PTB, KSH, LCM… đều đã được kéo lên mức giá trần trong những phiên giao dịch đầu tháng 11. Đối với cổ phiếu MIC của khoáng sản Quảng Nam trong tháng này đã tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Sự tăng giá diễn ra kể từ khi MIC quay trở lại giao dịch trên sàn UpCOM. Cổ phiếu MIM của khoáng sản cơ khí đạt mức tăng giá cổ phiếu 22%...
Có thể nói thời điểm giữa năm (tháng 6/2015) nhà đầu tư than trời vì cổ phiếu khoáng sản giảm hơn một nửa, thậm chí có cổ phiếu mất 75% giá trị so với thời điểm đầu năm 2015. Nhà đầu tư thua lỗ nặng nề. Trái lại, kết thúc quý III/2015, nhóm cổ phiếu này lại bật tăng mạnh mẽ. Nguyên do, nhà đầu tư đánh giá cao khả năng vượt kế hoạch của các công ty và cho rằng đây là một nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tương đối ổn định.
Đơn cử, đối với cổ phiếu khoáng sản KSB, trong số các mảng hoạt động, khai thác và chế biến khoáng sản vẫn đóng góp chủ yếu vào doanh thu của KSB (87,7%) trong năm 2014. Năm 2015, KSB đặt kế hoạch 675 tỷ đồng doanh thu (tăng 6%) và 132 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 5,4%.
Theo một lãnh đạo công ty chứng khoán ở TP. Hồ Chí Minh, do mức vốn hóa khiêm tốn nên tầm ảnh hưởng của các mã này không tác động quá nhiều đến chỉ số thị trường. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này có những lần biến thiên rất “quái”. Có điều, nhìn vào lịch sử giao dịch của những mã khoáng sản, việc tăng giá mạnh chỉ diễn ra rất ngắn kèm theo biến động giá tương đối lớn. Vì vậy, những cổ phiếu ngành này chỉ hợp khẩu vị với những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn và chấp nhận mức độ rủi ro cao.
Nguồn Thời báo ngân hàng