Thứ Hai | 12/11/2012 14:25

Lượng xăng dầu tạm nhập được sử dụng trong nước chiếm 15% tổng cầu tiêu dùng

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tạm nhập và sử dụng lại tại Việt Nam tương đương 15% tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước (khoảng 15 triệu tấn/m3 xăng dầu).
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng ngày 12/11, về thị trường cạnh tranh cho xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Nghị định 84 năm 2009 của Chính phủ cho phép tất cả các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế đủ các điều kiện tài chính, kho bãi, kinh nghiệm và hệ thống phân phối đều được xem xét và trở thành đầu mối, xuất nhập khẩu kinh doanh xăng dầu.

Thực tế, sau Nghị định 84, đã có thêm 4 doanh nghiệp ngoài quốc doanh gia nhập vào cơ cấu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Như vậy, đã tạo điều kiện cho thị trường cạnh tranh xăng dầu rồi chứ không phải bây giờ. Hiện chỉ không cho doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Bộ trưởng nói thêm.

Về vấn đề làm thế nào để thị trường cạnh tranh rõ ràng hơn nữa, Bộ trưởng cho rằng bản thân các doanh nghiệp nếu muốn tham gia phải có biện pháp từng bước đáp ứng được các điều kiện và yêu cầu theo Nghị định 84.
Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh tại một cuộc họp tháng 7 vừa qua đã nghe Bộ Tài chính - Công thương - Khoa học Công nghệ báo cáo.

Phó Thủ tướng đã kết luận sẽ kiên trì cơ chế giá thị trường có quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị định 84 và trước mặt cần xem xét sửa đổi 1 số nội dung không phù hợp như quỹ bình ổn giá, chi phí, thù lao đại lý, tần suất 30 ngày tính giá cơ sở rồi từ đó quyết định phê duyệt phương án giá của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương thu thập thông tin, báo cáo Chính phủ về đánh giá tác dụng, các mặt được và chưa được của Nghị định 84 và theo đúng tiến độ tháng 12 Bộ Công thương sẽ có báo cáo trình Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận những năm vừa qua vẫn tồn tại thực trạng cho tạm nhập nhưng tái xuất không hết lượng tạm nhập.

Theo thống kê, tạm nhập và sử dụng lại tại Việt Nam tương đương 15% tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước hiện khoảng 15 triệu tấn/m3 xăng dầu, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, theo quy định, mặt hàng xăng dầu không phải mặt hàng cấm nhập khẩu mà khi tiêu dùng trong nước phải đóng thuế. Vì thế có 1 lượng nhất định hàng tạm nhập tái xuất khi nhập khẩu vào Việt Nam do nhu cầu tại thời điểm đó sẽ được sử dụng trong nước. Vấn đề này do cơ quan Hải quan xem xét, quyết định và cũng chỉ 1 số doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp dầu mối được tạm nhập tái xuất xăng dầu

Tuy nhiên, vừa qua, có một số trường hợp lợi dụng quy định này để trục lợi, nhập lậu (không nộp thuế nhập khẩu) khi tạm nhập nhưng không tái xuất mà sử dụng trong nước. Chủ trương của các Bộ ngành một mặt phải duy trì tạm nhập tái xuất để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu xăng dầu qua Việt Nam của các nước Campuchia hay Lào hoặc cấp xăng dầu cho máy bay, tàu thủy nước ngoài...

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng khẳng định, tạm nhập tái xuất cũng là cần thiết và không trái với công ước Kyoto nguyên bản và sửa đổi mà chúng ta tham gia.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế và chiếm dụng thuế của Nhà nước. Trong luật Quản lý thuế sửa đổi lần này, Bộ Tài chính sẽ loại bỏ ân hạn thuế cho doanh nghiệp tạm nhập tái xuất và phối hợp quản lý chặt chẽ với Bộ Công thương trong vấn đề tạm nhập tái xuất xăng dầu.

Trước ý kiến của đại biểu cho rằng, giá xăng giảm liên tục 3 lần trong thời gian Quốc hội họp kỳ trước, phải chăng Bộ trưởng Công Thương và Tài chính đã “linh hoạt” điều chỉnh giá xăng ngay trước thềm phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Công thương khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 84 cũng như diễn biến giá thế giới.

Do vậy, việc giảm giá, theo ông, chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, giá thế giới giảm trước khi Quốc hội tiến hành phiên chất vấn. “Với trách nhiệm chính trị cũng như điều hành, tôi tin rằng không có động thái linh hoạt ở đây”, Bộ trưởng nói.Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng khẳng định là không có chuyện “linh hoạt” ở đây, cơ quan điều hành chỉ thực hiện theo tư tưởng “ngay khi giảm giá được thì giảm ngay”.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, trong thời gian vừa qua do giá thế giới giảm nên đã khôi phục được lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp, giảm trích quỹ bình ổn, và có cơ sở để giảm giá trong nước.

Nguồn Khampha


Sự kiện