Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu
Chuyện tăng lương gắn với tăng năng suất lao động, thương lượng tập thể là chủ đề nóng được đưa ra tại hội thảo chính sách tiền lương Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội.
Báo cáo cộng đồng ASEAN 2015 cho thấy, mức lương tối thiểu của Việt Nam dù cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar, nhưng vẫn thuộc nhóm thấp trong khu vực. Ông Malte Luebke, chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét mức lương bình quân 3,8 triệu đồng một tháng (181 USD) của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và thấp hơn nhiều nước như Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương. Hiện mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để có cơ sở để tăng lương thì một trong những điều được đề cập đến nhiều là tăng năng suất lao động.
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật cho biết, cần phân biệt tiền lương tối thiểu và tiền lương. Tiền lương gắn với năng suất lao động, còn lương tối thiểu gắn với mức sống tối thiểu.
“Đầu tiên phải cho người lao động ăn đủ năng lượng để làm việc, sau đó mới yêu cầu làm việc năng suất cao. Công đoàn rất mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Khi nào bằng thì lúc đó chúng ta bàn bạc đến vấn đề năng suất lao động”, ông Điều nói.
Bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc ILO khẳng định, lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, tăng tiền lương khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư kỹ thuật, quá trình làm việc hiệu quả hơn... Để tăng năng suất lao động không chỉ đơn giản là yêu cầu người lao động làm việc chăm chỉ. Lương cần tăng cùng tăng năng suất; công nghệ - là công cụ để giúp lương tối thiểu được tăng lên đều đặn.
Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân thừa nhận chính sách tiền lương hiện còn nhiều thách thức khi GDP bình quân đầu người thấp, năng suất lao động thấp, chất lượng lao động còn nhiều vấn đề, chuyển dịch lao động chậm... Ngoài ra, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động cũng hạn chế, dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép. Nguyên nhân có yếu tố khách quan là nền kinh tế có điểm xuất phát thấp; chênh lệch cung - cầu lao động quá lớn, tạo nên sức ép về việc làm.
Để có cơ sở tăng lương, các chuyên gia nêu giải pháp quan trọng là tái cơ cấu nền kinh tế, tạo năng suất lao động cao hơn, từ đó tái cơ cấu lao động - chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức, từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao; từ nông lâm nghiệp sang công nghiệp... Giải pháp để chủ sử dụng lao động không thể nghĩ đến chuyện trả lương thấp mà trả lương đúng với giá trị cũng cần được tính đến.
Nguồn VnExpress