Lương hưu sẽ giảm ít nhất 10%
Phương án hai là số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Đại biểu Kim Chi cho rằng với 2 phương án thì cả lao động nam và lao động nữ đều thiệt. Theo phương án một, nam tham gia 30 năm thì được hưởng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nữ cũng thế. Nhưng nếu theo cách tính hiện hành thì cả nam và nữ với 30 năm công tác đều được hưởng 75%. Như vậy, nếu nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 thì người lao động sẽ mất 10%.
Nếu là phương án 2, đến năm 2018 mức hưởng của nam và nữ là 73%; năm 2022 của nam là 65% và nữ là khoảng 60-61%. “Tôi thấy Ban soạn thảo chỉ so sánh 2 phương án để lựa chọn phương án 1, tại sao không so với quy định hiện hành. Tôi đồng ý có lộ trình, mức tính lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội áp dụng từ 1/1/2018. Toàn bộ 30 năm tôi đóng bảo hiểm, chưa tham gia mức tiền lương đóng mới, nhưng tôi lại bị giảm mức hưởng”, bà Kim Chi nói.
Đại biểu này đề xuất tạm thời vẫn giữ nguyên cách tính như hiện tại, khoảng 5 năm sau khi áp dụng mức tiền lương mới làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thì thay đổi cách tính lương hưu mới hợp lý.
Chung quan điểm này, đại biểu Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cũng cho rằng điều chỉnh mức lương hàng tháng 45% là khi đó dự kiến Quốc hội chấp nhận tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, hiện đã bỏ điều này. Quan điểm của Liên đoàn là giữ cách tính như hiện nay. Nếu không, người nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ thiệt hơn người nghỉ hưu từ 31/12/2017 là 10% - đây là điều bất hợp lý. Nếu chọn phương án 2 thì nữ sẽ thiệt 15% còn nam 10%. Nếu giữ như hiện nay thì không bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban thừa nhận, dù tính cách gì thì người lao động vẫn bị giảm lương hưu, đặc biệt là lao động nữ vì không tăng tuổi nghỉ hưu lên 60. Ủy ban đang cân nhắc phương án mới, tránh gây sốc.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, với cách tính lương hưu mới, phương án nào cũng làm giảm lương. Nếu giảm sốc thì phải thay đổi lại bằng cách thay đổi tỷ lệ tích lũy.
Một nội dung cũng nhận được quan tâm của đại biểu là mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu. Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu. Để đảm bảo mục tiêu bình đẳng, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề xuất áp dụng theo lộ trình với người thuộc khu vực công. Vì thế có 2 phương án.
Thứ nhất, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian. Phương án hai, Chính phủ cho rằng tính bình quân lương tháng toàn bộ thời gian từ 1/1/2018.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, thừa nhận: “Có vẻ Quốc hội bảo vệ người làm công ăn lương của nhà nước nhiều quá. Chúng ta phải nghĩ làm sao cho công bằng, cái này nên suy nghĩ để tháo gỡ”.
Đại biểu Phạm Đức Châu cũng cho rằng lực lượng vũ trang nghỉ hưu không theo tuổi lao động mà theo quy định của ngành. Lâu nay họ hưởng lương hưu cao mà thời gian hưởng dài, tiền này cũng lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội. Ông Châu đề nghị ban soạn thảo tính như thế nào để đảm bảo công bằng, ngân sách Nhà nước phải bù vào, không thể lấy từ quỹ lương chung.
Nguồn VnExpress