Thứ Tư | 03/12/2014 10:46

“Lượng giao dịch ngân hàng qua Ipad tăng 10 lần từ năm 2010-2013”

Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch Ngân hàng BIDV, nêu ý kiến các ngân hàng nên tích hợp sản phẩm dịch vụ với mạng xã hội.

Ngày 3/12/2014, Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á 2014 đã diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh. Diễn đàn thảo luận xung quanh nội dung “Phát triển Ngân hàng bán lẻ hướng tới mô hình hiện đại và toàn diện”.

Theo báo cáo Khảo sát toàn cầu về ngân hàng bán lẻ năm 2014 của Ernst & Young, khoảng 75% dân số Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. Như vậy, tiềm năng cho các hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn.

Trong báo cáo “Xu hướng phát triển Ngân hàng bán lẻ trong nước và quốc tế: Giải pháp chiến lược” do Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV ông Cấn Văn Lực trình bày, những yếu tố quan trọng nhất của bán lẻ là khách hàng, kênh phân phối và sản phẩm – dịch vụ.

Thông cáo báo chí từ Diễn đàn cũng cho biết một trong những vấn đề mấu chốt trong phát triển ngân hàng bán lẻ trên thế giới là việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, trong đó sự hợp nhất nhiều kênh khác nhau đóng vai trò quan trọng.

Theo báo cáo Khảo sát Ý kiến khách hàng của Capgemini 2013, hơn 50% khách hàng từng gặp phải trải nghiệm tiêu cực với ngân hàng đều cảm thấy rằng các ngân hàng này không mang tới cho họ trải nghiệm đa kênh nhất quán.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh, phương tiện truyền thông xã hội, số hóa được xem là xu hướng mới của hầu hết các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Ông Lực trích dẫn số liệu khảo sát của World Bank năm 2014 là hiện tại có 44% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet. Ngoài ra, ông cũng cho biết lượng giao dịch ngân hàng qua điện thoại tăng 2,3 lần và lượng giao dịch ngân hàng qua Ipad tăng 10 lần qua các năm 2010-2013.

Ông Cấn Văn Lực những kênh phân phối dịch vụ ngân hàng sẽ phát triển mạnh trong tương lai bao gồm Internet Banking, Mobile Banking, Tablet Banking và Social Network/Media.

Một ví dụ mô hình Tablet Banking được ông Lực đưa ra là tại Ngân hàng Citibank. Tại đây, nhân viên ngân hàng sẽ là người tư vấn, hướng dẫn khách hàng còn khách hàng sẽ tự thao tác trên hệ thống máy tính bảng.

Theo khảo sát trên 17.000 khách hàng tại 32 nước của Capgemini năm 2014, vai trò của dịch vụ ngân hàng qua mạng xã hội trong duy trì khách hàng tại các khu vực gồm Châu Mỹ La Tinh 68%, Châu Á Thái Bình Dương 57%, Trung Đông & Châu Phi 55%, Trung Âu 53%, Tây Âu  44% và Bắc Mỹ 36%.

Khách hàng của ngân hàng bán lẻ trong tương lai sẽ là thế hệ được sinh ra trong những năm 1990 và 2000. Họ sẽ cần các sản phẩm cung cấp giao dịch 1 cửa, cung cấp dịch vụ nhanh, đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp, giải quyết vấn đề ngay tức thì và chú ý đến nhu cầu riêng của mỗi khách hàng.

Theo thống kê thực trạng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đến hết quý 3/2014, hiện có khoảng 70,2 triệu thẻ ngân hàng, 47 tổ chức phát hành thẻ, 135,8 ngàn máy POS, 15,7 ngàn máy ATM, 60 ngàn tài khoản vãng lai, 5,35 ngàn chi nhánh và phòng giao dịch với 97 ngân hàng thương mại.

Ngoài tiềm năng về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ông Cấn Văn Lực cho rằng hiện nay ngân hàng sẽ phải đối mặt với các dịch vụ thanh toán từ các tổ chức phi ngân hàng.

Nguồn DVO