Lương giám đốc công ty thoát nước đô thị TPHCM 2,6 tỷ đồng/năm
Các công ty mà UBND TP điểm mặt gồm: Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng Công cộng và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh.
Theo kết luận, lương bình quân chia theo loại lao động trong từng doanh nghiệp có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể, ở Công ty Thoát nước Đô thị: Lương bình quân viên chức quản lý là hơn 111,2 triệu đồng/tháng; lao động thường xuyên 25 triệu đồng; lao động mùa vụ chỉ hơn 5,4 triệu đồng.
Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị nhận lương 2,6 tỉ đồng, chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỉ đồng, kế toán trưởng 1,67 tỉ đồng, phó giám đốc 969 triệu đồng/năm.
Tương tự, lương của viên chức quản lý Công ty Chiếu sáng Công cộng cũng cao ngất ngưởng: Giám đốc 2,2 tỉ đồng/năm, chủ tịch Hội đồng thành viên 2,4 tỉ đồng/năm, phó giám đốc 1,9 tỉ đồng/năm; kế toán trưởng 1,7 tỉ đồng/năm.
Còn tại Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn: Giám đốc 856 triệu đồng/năm, các thành viên còn lại cũng dao động từ 584 triệu đến 853 triệu đồng. Công ty Công viên Cây xanh: Giám đốc 759 triệu đồng/năm, các thành viên còn lại từ 609 triệu đến 691 triệu đồng/năm.
Sau khi chỉ ra mức lương khủng của viên chức quản lý, UBND TP.HCM yêu cầu bốn công ty nói trên báo cáo nguyên nhân và khắc phục tình trạng lương cao bất thường so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong doanh nghiệp. Đặc biệt việc trả lương viên chức quản lý cao gấp nhiều lần người lao động mùa vụ (ở Công ty Thoát nước Đô thị lương giám đốc cao gấp 41 lần lao động mùa vụ).
Quyền lợi người lao động bị xâm phạm
Ngoài chuyện trả lương cao bất thường cho cán bộ quản lý, các công ty nói trên còn vi phạm trong việc ký kết hợp đồng với người lao động.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị ký hợp đồng mùa vụ dưới ba tháng đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. UBND TP yêu cầu công ty ký kết hợp đồng đúng quy định đối với tất cả trường hợp nêu trên.
Ở Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn có hơn 200 lao động bị công ty này ký hợp đồng không đúng quy định, vi phạm luật lao động.
UBND TP.HCM yêu cầu hai công ty trên phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị tước đoạt từ trước tới nay. Báo cáo nguyên nhân và quan điểm khi thực hiện đối xử bất công với một bộ phận người lao động, những người trực tiếp lao động trong điều kiện khó khăn, độc hại và nguy hiểm…
UBND TP.HCM giao Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lao động của các công ty và chỉ đạo khắc phục nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, của Nhà nước. Mở rộng thanh tra việc chấp hành quy định lao động, tiền lương đến nay và những năm trước năm 2011. Phối hợp Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân sai phạm.
UBND TP cũng yêu cầu các Sở GTVT, Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT rà soát, điều chỉnh các bộ định mức lao động áp dụng đối với các sản phẩm dịch vụ công ích. Báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 15-9. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước việc lãng phí ngân sách khi không kịp thời điều chỉnh lại mức lao động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Thu hồi hàng tỉ đồng chi sai
Kết luận nêu rõ các công ty phải thu hồi số tiền chi sai và báo cáo cho UBND trước ngày 15-9. Cụ thể số tiền phải thu tại Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn phải thu hồi hơn 554 triệu đồng chi cho bảy viên chức quản lý sai quy định của năm 2011.
Công ty TNHH MTV Chiếu sáng Công cộng phải thu hồi hơn 2,5 tỉ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định của năm 2011.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị thu hồi toàn bộ số tiền hơn 3,2 tỉ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định của năm 2011.
Nguồn Pháp luật TPHCM