Lượng dầu lưu kho toàn cầu hiện là bao nhiêu? Hãy thử đoán xem
Giá dầu giảm mạnh đã khiến lượng dầu lưu kho tăng vọt, phần lớn được trữ tại các bể chứa ở Mỹ và các nước công nghiệp khác với cam kết công bố số liệu mới nhất, nhưng hàng triệu thùng dầu đang chảy đến các địa điểm nằm ngoài phạm vi theo dõi.
Một số nước như Nga và Trung Quốc chọn cách không công bố lượng dầu dự trữ của mình. Và giới thương nhân và các công ty dầu mỏ với các tàu chở dầu cực lớn không có nghĩa vụ phải công khai nguồn cung. Việc này khiến thị trường dầu thô trở khó hiểu hơn và biến động nhiều hơn. Lượng dầu lưu trữ tại các nơi này là bao nhiêu và chúng được bán ra thị trường nhanh mức nào - tất cả đều tác động đến giá dầu.
Harish Sundaresh, quản lý quỹ và chiến lược gia hàng hóa tại Loomis, Sayles & Co, cho biết, bản thân số liệu rất không đồng nhất. Tại các nước như Nigeria, Brazil, Angola, số liệu không đáng tin cậy.
Theo dõi số liệu về lượng dầu lưu kho ngày càng trở nên phức tạp hơn khi các nước đang phát triển dự trữ và tiêu thụ ngày một nhiều dầu thô hơn.
Singapore, với cảng biển bận rộn nhất thế giới và trụ sở tại châu Á của nhiều hãng thương mại dầu thô, là một trong những quốc gia luôn khiến giới phân tích bối rối. Vùng biển quanh quốc đảo này đã trở thành một trong những nơi lưu trữ dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng hiện vẫn chưa rõ lượng dầu lưu trữ trên các tàu chở dầu neo đậu tại khu vực này là bao nhiêu.
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, 23 tàu chở dầu quy mô lớn với công suất 43 triệu thùng neo đậu trong thời gian 1 tháng hoặc lâu hơn tại eo biển Singapore, theo số liệu của Thomson Reuters, tăng so với 15 tàu thời điểm đầu năm nay. Nếu các tàu này chứa đầy, lượng dầu này đủ đáp ứng nhu cầu dầu thô của Mỹ trong hơn 2 ngày.
Nhưng hiện chưa có số liệu chính thức nào về lượng dầu lưu trữ. Thomson Reuters và nhiều hãng khác thường đưa ra ước tính dựa vào mức ngấn nước của tàu chở dầu. Nhưng một số tàu có thể đang chuyên chở nhiên liệu lỏng nặng - sản phẩm lọc dầu sử dụng trong ngành vận tải biển - trong khi một số tàu khác lại chở nước biển, khiến việc ước tính trở nên phức tạp hơn.
Lượng dầu lưu kho cũng đóng vai trò quan trọng hơn khi OPEC từ bỏ nhiệm vụ truyền thống trong việc quản lý giá dầu, theo giới phân tích. Kể từ tháng 11/2014, OPEC đã liên tục tăng sản lượng. Và lượng dầu lưu kho ngày càng quan trọng hơn nếu nguồn cung tại khu vực nào đó bị gián đoạn.
Với một vài số liệu về địa điểm chứa dầu, các nhà phân tích đã kết hợp các số liệu về lượng dầu lưu kho và phỏng đoán.
Sự bất ổn về lượng dầu lưu kho toàn cầu được nhấn mạnh sau các vụ tấn công cơ sở dầu thô tại Nigeria hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Sau các cuộc tấn công này, một số nhà phân tích dự đoán sản lượng dầu của Nigeria sẽ giảm, giúp đẩy giá dầu lên vượt mốc 50 USD/thùng. Nhưng số liệu vận chuyển đường biển lại cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nigeria vẫn ổn định ở mức 1,5 triệu thùng/ngày.
Lượng dầu xuất khẩu này có nguồn gốc từ đâu? “Đó là câu hỏi lớn”, Omry Hochberg, quản lý sản phẩm tài chính tại Windward cho hay. Liệu lượng dầu xuất khẩu được lấy từ nguồn lưu trữ hay sản lượng của Nigeria cao hơn so với dự đoán của giới phân tích và thị trường?
Tổ chức Sáng kiến Số liệu chung (JODI) cũng thu thập và tổng hợp số liệu về lượng dầu lưu kho toàn cầu, nhưng không có số liệu về lượng dầu lưu kho của nga, Trung Quốc và một số nước khác. Một số nước thiếu nguồn lực để thu thập số liệu về lượng dầu lưu kho và không coi việc công bố số liệu này là ưu tiên.
Nhiều khu vực trên thế giới đang “ngập trong dầu”. Các nước ngoài OECD - tổ chức gồm 35 nước - hiện chiếm ½ nhu cầu dầu toàn cầu, tăng từ 41% một thập kỷ trước.
Bên cạnh đó, nhiều nước không công bố số liệu về “lượng dầu lưu trữ trên tàu chở dầu” đang neo đậu ngoài khơi, như trường hợp Singapore. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, lượng dầu lưu trữ trên tàu chở dầu ngoài khơi trong tháng 6/2016 tăng lên 95 triệu thùng, cao nhất kể từ năm 2009.
Lượng dầu lưu kho tại Trung Quốc là một con số bí ẩn khác. Số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu dầu thô của nước này đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ chế biến của các nhà máy lọc dầu. Số liệu cũng cho thấy, thừa cung dầu thô của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 160 triệu thùng, đủ để đáp ứng nhu cầu dầu thô trong khoảng 2 tuần.
Giới phân tích cho rằng, lượng dầu này sẽ chảy vào các bể chứa thương mại hoặc đưa vào dự trữ chiến lược của chính phủ. Nếu phần lớn lượng dầu dư thừa chảy vào bể chứa chiến lược, nhu cầu có thể sụt giảm khi các bể chứa đạt công suất tối đa và điều này có thể xảy ra trong năm nay.
Nhật Trường
Nguồn WSJ