Lúng túng khép tội “bầu” Kiên
Theo cáo trạng, thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc HĐTV, bầu Kiên đã tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và trạng thái vàng trái phép với tổng số tiền trên 21.490 tỉ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, cho biết ngoài Nghị định 174/1999/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Quyết định 03/2006/NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, nhà nước không có quy định nào thêm về đầu tư ủy thác cũng như hoạt động ủy thác.
Theo cáo trạng được chủ tọa dẫn ra, Quyết định 03 chỉ được thực hiện đến ngày 30-3-2010 nhưng Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đặt lệnh vào 28-4-2010, như vậy là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại cho biết sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 10 gia hạn việc đóng tài khoản đến ngày 30-6-2010 và sau đó tiếp tục gia hạn đến ngày 31-7-2010.
Chủ tọa hỏi “kinh doanh vàng và trạng thái vàng có khác nhau?”, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Chúng tôi chỉ căn cứ vào các văn bản, còn những nội dung khác chúng tôi không thể nói được”. Tòa tiếp tục hỏi đại diện Bộ Tài chính về tính pháp lý của việc kinh doanh trạng thái vàng, kinh doanh vàng bằng tài khoản nước ngoài song vị này cũng thoái thác, không trả lời.
Đến lượt mình, “bầu” Kiên dẫn hàng loạt điều luật chứng minh cáo buộc của VKSND là không đúng, trong đó nhấn mạnh: “Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định DN có quyền kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.
Về hành vi trốn thuế, theo cáo trạng, bà Đặng Ngọc Lan (vợ “bầu” Kiên), giám đốc Công ty B&B, đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính để Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2009, Công ty B&B mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỉ đồng.
Biết Quốc hội có nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn thuế, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo cho vợ ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên) để qua đó chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của Công ty B&B sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 25 tỉ đồng. Trả lời tại tòa, bà Đặng Ngọc Lan cho biết tất cả các hoạt động tại Công ty B&B, bà không nắm được vì khi đó bà đang trong giai đoạn sinh con.
Về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo cáo trạng, “bầu” Kiên cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB gồm Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại 718,9 tỉ đồng. Tại tòa, các bị cáo trên khẳng định chủ trương này được HĐQT của ACB thông qua. Các bị cáo cho rằng vai trò của “bầu” Kiên rất quan trọng, nếu ông không đồng ý thì nghị quyết HĐQT sẽ không thông qua được. Tuy nhiên, bị cáo Kiên nói mình không có vai trò gì trong ACB để có thể tác động đến việc ra nghị quyết.
Nguồn Người Lao Động