Lùi thời hạn trình Quốc hội nhiều dự án Luật
Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 sẽ có sự điều chỉnh: Lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật hộ tịch.
Theo Chương trình năm 2013, các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình tổng kết thi hành các luật hiện hành và chuẩn bị các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề đã có nhiều vấn đề mới phát sinh, có nhiều hạn chế, bất cập cần có thời gian nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm chất lượng của các dự án luật.
Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời hạn trình Quốc hội dự án luật Luật Hải quan (sửa đổi), dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề một kỳ họp Quốc hội; điều chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và chuyển sang Chương trình năm 2014. Đồng thời, lùi thời hạn trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sang năm 2014 để xem xét cùng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), tại phiên họp thứ 17, trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Luật này và nhận thấy một số vấn đề lớn về chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như giám sát, phản biện xã hội.... có liên quan mật thiết với quy định của Hiến pháp và cần nghiên cứu, tổng kết kỹ hơn. Do đó, đề nghị Quốc hội cho lùi dự án Luật này sang năm 2014, để xem xét, thông qua sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua.
Về dự án Luật Hộ tịch, tại phiên họp thứ 11 (tháng 9/2012), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án luật liên quan nhiều đến việc quản lý dân cư.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Nội dung của Đề án này là cơ sở quan trọng để cải cách công tác quản lý hộ tịch. Vì vậy, đề nghị chưa đưa dự án Luật Hộ tịch vào Chương trình; đến khi nào thông qua xong Đề án này thì sẽ xem xét, bổ sung dự án Luật Hộ tịch vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao đối với các dự án khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 9 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII để tiến hành nghiên cứu, soạn thảo sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các dự án bổ sung gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Cảnh vệ, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính, Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Pháp lệnh cảnh sát môi trường, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Nguồn VOV