Thứ Sáu | 11/12/2015 15:14

Lực lượng chống chuyển giá "ra tay": Cần kiểm soát chéo, kiểm tra ngầm

Vì sao Cục Thuế TP HCM phải thành lập lực lượng chống chuyển giá để thanh kiểm tra hoạt động chuyển giá tại các DN FDI nhất là đối với Coca Cola?

Dưới đây là những trao đổi với Luật sư Đinh Văn Long, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phong (thuộc Đoàn Luật sư TP HCM) xung quanh nghi án này.

Theo ông, vì sao nghi án chuyển giá tại Cty Coca Cola vẫn chỉ được coi là “nghi án”?

Đối với hoạt động của một DN, thông thường thuế thu nhập DN thường nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền nộp thuế GTGT, thuế phát sinh từ lãi, từ lợi nhuận thật của DN. Do vậy, khi DN tính toán xong hết tất cả các phần thu, chi mới tính được phần lãi. DN thừa hiểu rằng báo lãi càng lớn thì số tiền đóng thuế càng nhiều và ngược lại. Mấu chốt vấn đề nằm ở khâu tính toán này. Mục tiêu cuối cùng của DN là lợi nhuận nên việc trung thực trong vấn đề báo lỗ – lãi nằm ở lương tâm và đạo đức của người chủ DN. Đối với những DN FDI sử dụng nguồn nguyên liệu ở trong nước, sản xuất và bán hàng tại thị trường nội địa thì VN còn tính được phần lãi của họ. Nếu DN chỉ là một khâu trung gian, nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất rồi cung cấp hàng hóa cho các Cty mẹ ở ngoài nước thì sẽ rất khó kiểm soát được phần lãi của DN.

Một khi VN không kiểm soát được phần thu, chi, các DN FDI sẽ điều chỉnh: Sản phẩm nào bán ở nước ngoài sẽ giảm giá bán, sản phẩm nào bán trong nước sẽ làm động tác tăng giá bán, hoặc tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, cuối cùng DN báo cáo lỗ. Đặc biệt, khi thuế suất thuế thu nhập DN ở VN còn cao hơn các nước khác thì khó tránh khỏi tình trạng DN chuyển giá, né thuế.

Vậy ở góc độ quan điểm của ông, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Việc không quản lý được việc thu chi của các DN FDI trong đó điển hình như Cty Coca Cola có một phần lỗi của Cục thuế TP HCM. Tuy nhiên, xét trên bình diện sâu xa, lỗi chính là do hệ thống tài chính VN. Hiện việc thanh toán trong hệ thống tài chính của VN vẫn chủ yếu là tiền mặt. Vì thế mới phát sinh ra những hệ lụy. Nếu bây giờ, mọi giao dịch trong nước đều thực hiện bằng chuyển khoản thì sẽ rất khó có thể phát sinh những con số ảo. Và nếu có những phát sinh từ việc chuyển khoản thì các lực lượng khác như quản lý thị trường, công an… vẫn có thể tìm ra.

Như vậy, nguyên nhân đã có, sẽ không khó để tìm ra giải pháp?

Tôi nghĩ, cũng không hẳn. Nhưng trước mắt, VN cần phải liên kết chặt chẽ với các tổ chức nước ngoài. Tức là, khi mình ký kết hợp tác hoặc cấp phép cho một dự án FDI nào đầu tư tại VN thì cần phải những ràng buộc nhất định. Cần có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức giám sát, thậm chí là cơ quan thuế vụ ở nước ngoài để có thể kiểm soát được giá nhập nguyên liệu đầu vào, giá bán thành phẩm của DN. Điều này không kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để được nạn trốn thuế, chuyển giá nhưng chắc chắn sẽ giảm bớt được vấn nạn trên.

Ở nước ngoài, khâu kiểm soát thu chi của DN được họ làm rất bài bản, chặt chẽ nhưng VN không có cách tiếp cận, không có cách sử dụng số liệu của họ thành ra VN bị hở cả hai đầu trong cách quản lý DN FDI. Còn ở VN, với cách quản lý, kiểm soát thu chi như hiện nay thì dần dần DN sẽ “lờn” thuốc và tìm đủ mọi cách để “lách”.

Để giải quyết vấn đề này, một mặt chúng ta kêu gọi đạo đức kinh doanh… nhưng tôi nghĩ, đôi khi điều đó không hấp dẫn bằng lợi nhuận cao. Do vậy, chỉ còn một cách là tăng cường cơ chế kiểm soát, đặc biệt là thực hiện kiểm soát chéo, theo dõi ngầm. Nếu chỉ phụ thuộc vào kiểu kiểm tra nội bộ, thanh tra ngành là thua! Đơn cử như ở Mỹ, họ làm rất tốt việc kiểm tra chéo: Người thu thuế, người ghi thuế, người xác minh thông tin của DN đóng thuế không hề biết nhau nên họ giám sát nhau nghiêm ngặt, minh bạch. Ngược lại ở VN, người thu thuế, ghi thuế, xác minh… đều do một người nắm hoặc nếu có hai, ba đơn vị làm thì họ cũng biết, thậm chí thân thiết nên rất khó kiểm tra chéo.

Khi đã phát hiện một DN có dấu hiệu trốn thuế hoặc chuyển giá thì cần phải làm rõ, làm tới nơi tới chốn thì mới khiến DN khác lấy đó làm gương. Chứ nếu cứ làm nửa vời kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì chắc chắn sẽ khiến DN “lờn” thuốc.

Hơn nữa, để xảy ra hiện tượng DN trốn đóng thuế thì trách nhiệm sẽ thuộc về những cơ quan quản lý thu chi của DN. Bên cạnh cục thuế nơi quản lý địa bàn DN đóng chân, trách nhiệm cũng thuộc về những cơ quan khác như: hải quan, quản lý thị trường, sở công thương, thậm chí cả ngành ngoại giao… Do đó, cần có những nghiên cứu sâu về chống chuyển giá: Theo thông lệ thế giới ra sao, của VN ra sao và hiện tại VN đang bị hở chỗ nào để từ đó có biện pháp khắc phục, bít lỗ hở ấy. Không nên chỉ làm theo hiện tượng: thấy DN này hở ra thì nhảy vào làm, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”.

Bà Lê Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM: Đang triển khai nhiều giải pháp tích cực

Luc luong chong chuyen gia Từ nhiều năm nay, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong thanh tra giá chuyển nhượng như: Xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro để chọn các DN có rủi ro cao về thuế, trong đó đặc biệt chú ý đến các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc kê khai nộp thuế có giao dịch liên kết; Ngành thuế cũng từng bước giảm dần thuế suất để thu hẹp khoảng cách của thuế suất thuế thu nhập DN nước ta với các quốc gia khác nhằm giảm bớt đối tượng chuyển giá. Theo tôi, nên xem xét biện pháp trao đổi, mua thông tin ở các cơ quan quản lý thuế nước ngoài, các đơn vị kiểm toán quốc tế để biết được tỷ suất lợi nhuận của các ngành nghề kinh doanh trên thế giới, nhằm so sánh và đưa ra tỷ suất lợi nhuận phù hợp, làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế đấu tranh, thương lượng với DN, thu được mức thuế có lợi nhất cho Nhà nước. Bên cạnh quản lý bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngành thuế cũng mong muốn nhận được sự đồng tình của dư luận, góp phần đấu tranh để các DN thấy được nghĩa vụ, đạo đức kinh doanh của mình, khi kinh doanh ở một quốc gia nào thì phải làm tốt nghĩa vụ thuế ở quốc gia đó.

Ngoài ra, Cục Thuế TP HCM đang thực hiện đề án nghiên cứu giá chuyển nhượng trong ngành may mặc và đưa ra tỷ suất lợi nhuận thuần trên chi phí từng năm để tạo cơ sở cho công tác thanh, kiểm tra thuế tại các DN may mặc có giao dịch liên kết và đề nghị Tổng cục Thuế hỗ trợ về nghiệp vụ cho công chức thực hiện công tác thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng.

Nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp