Minh Đức Thứ Hai | 25/09/2023 14:00

Lực hút dự án tỉ USD

Các dự án FDI tỉ USD tạo nhiều cơ hội để Việt Nam đưa sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyến thăm của vị Tổng thống Mỹ thứ 5 tới Việt Nam trong thời gian tại nhiệm tiếp thêm động lực cho làn sóng đầu tư tư FDI  vào Việt Nam. Đặc biệt là những dự án quy mô lên đến hàng tỉ USD đã xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và mối quan hệ giữa 2 quốc gia được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Trong khi đó, Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá đầu tư lên tới 4 tỉ USD. Trước đó, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương với tổng vốn 1 tỉ USD. Samsung cũng đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại sang Việt Nam và Ấn Độ...

Cạnh tranh thu hút FDI 

Trong Báo cáo “Asia chart of the week - Dòng đầu tư vẫn chảy”, HSBC ghi nhận dòng vốn chảy vào ASEAN đã tăng vọt và các dự án đầu tư mới chủ yếu hướng đến Đông Nam Á và Ấn Độ, trong đó, Việt Nam là nền kinh tế đang hưởng lợi. Trước những căng thẳng địa chính trị khu vực kéo dài cùng với Hiệp định RCEP có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực thì hình ảnh của Việt Nam là một thị trường tăng trưởng và trung tâm sản xuất sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động tại ASEAN.

ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, gần gấp đôi so với 4 năm trước. Thành tựu này phản ánh rõ ràng các nền tảng cơ bản vững chắc, nhân khẩu học thuận lợi và chuỗi cung ứng cạnh tranh của ASEAN. Hơn 65% vốn FDI của khu vực đã đổ vào Singapore, tương đương trung bình tới 25% GDP của nước này. Nhưng điều đó một phần là do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng. Malaysia và Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI đáng kể.

 

Theo HSBC, đầu tư GI (đầu tư thành lập mới) tại Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới. Đặc biệt, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm tới nay đã vượt mức đầu tư mỗi năm trong 3 năm vừa qua một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt 730 tỉ USD trong năm 2022, trong đó, xuất khẩu 371,3 tỉ USD. Đạt được con số này có phần đóng góp của chuỗi cung ứng dịch chuyển vào Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp FDI xuất khẩu hơn 275,9 tỉ USD (chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), riêng Samsung đóng góp 65 tỉ USD. “Việt Nam có đầy đủ điều kiện trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương và đóng góp những khoản đầu tư đáng kể trong khu vực”, ông Steven Cranwell, Tổng Giám đốc khu vực châu Mỹ, kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.

Hơn 100 tập đoàn đa quốc gia trong danh sách Fortune 500 đã có mặt tại Việt Nam và nhiều trong số đó đã đầu tư các dự án công nghệ cao tại đây. Những dự án tỉ USD sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Nhiều cơ hội mở ra nhưng thu hút vốn FDI chất lượng cao và giữ dòng vốn đó ở lại vẫn là một bài toán khó. Nhất là khi theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), lưu ý hiện nay doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó nổi lên là Ấn Độ và Indonesia.

Các lĩnh vực mà nhà đầu tư Mỹ, Hàn Quốc... quan tâm khi quyết định rót vốn tỉ USD vào Việt Nam đều có hàm lượng công nghệ cao, phát triển đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Trong khi Việt Nam dù đang thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, nhưng thể chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thực thi thể chế chưa nghiêm nên sẽ rất khó thu hút “đại bàng” về xây tổ, giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao. Việt Nam cũng đang chậm hơn các nước cạnh tranh trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia trong việc sử dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa để giảm tác động tiêu cực từ thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo báo cáo của HSBC, trong khi Singapore, Malaysia và Việt Nam là 3 quốc gia có thành tích vượt trội ở lĩnh vực công nghệ, Indonesia và Thái Lan lại được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện. Để thấy được sức mạnh của FDI, Malaysia hiện chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn.

Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất và tài chính của ASEAN, với mỗi lĩnh vực chiếm gần 30% vốn FDI. Lợi thế của nhà đầu tư này thể hiện rõ hơn ở lĩnh vực sản xuất, đồng thời là xương sống thu hút đầu tư nước ngoài của ASEAN. Mỹ đã rót trung bình 12 tỉ USD trong 5 năm qua, tương đương với tổng vốn FDI từ EU và ASEAN. Điều đó cho thấy, một phần lớn vốn FDI của Mỹ đã chảy vào ngành sản xuất tiên tiến như sản xuất chất bán dẫn cao cấp ở Singapore và Malaysia. Vì vậy, dù sự hấp dẫn của Việt Nam đã tăng lên sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden thì ngành sản xuất của Việt Nam vẫn phải nỗ lực cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực.

 

Để cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư lớn, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng với các nhà đầu tư chiến lược, cần có những ưu đãi đầu tư bằng tiền mặt để thu hút các nhà đầu tư lớn. Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lên kế hoạch áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao với nhiều hình thức hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ này được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước...

Cần tiếp tục cải cách 

Không chỉ là vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị là cần tiếp tục cải cách. “Tốc độ xử lý thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn chậm. Có đến 66% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ là 47%. Do đó, Việt Nam cần phải loại bỏ các chi phí không chính thức. Doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch”, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại Hà Nội, cho biết.

Các khoản đầu tư tỉ USD của Mỹ cũng như các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp Việt tham gia với cả 2 vai trò vừa là người mua và người bán. Trong giai đoạn tới, với làn sóng FDI đầu tư lớn vào Việt Nam, cơ hội tham gia cung cấp linh kiện, tham gia vào chuỗi FDI rất lớn. Tuy vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn yếu, hạn chế chỉ tham gia vào khâu trung gian giá trị thấp. Một khi lợi thế nhân công giá rẻ giảm dần thì lợi thế cạnh tranh sẽ mất đi.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, đề xuất hợp tác chặt chẽ với các đối tác lớn, các doanh nghiệp đầu chuỗi như Samsung, Toyota như đào tạo tư vấn viên, đào tạo kỹ sư khuôn đúc, phát triển nâng cấp các nhà máy, các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lên thành các nhà máy thông minh ngang với trình độ của những doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc.

Đây là ví dụ thực tế từ khoản đầu tư của Samsung tại Việt Nam. Ông Yang Yoon Ho, Giám đốc Bộ phận Quan hệ khách hàng, Công ty Samsung Electronics Việt Nam, cho biết Samsung đã nâng cấp chuỗi cung ứng trong nước bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt. Số lượng nhà cung ứng cấp 1 và 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

 

Tuy nhiên, các công ty như Samsung chưa nhiều khiến nỗ lực cập nhật công nghệ, tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế; mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt như mong đợi. Thống kê cho thấy, hiện có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới có dự án đầu tư tại Việt Nam nhưng chỉ có Samsung, LG đầu tư trung tâm R&D.

Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua FDI...

“Trong cuộc khảo sát của chúng tôi, 100% doanh nghiệp phản hồi cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp, theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới”, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mại cho biết.

Nhìn chung, cuộc đua thu hút FDI đã bắt đầu và đồng hồ đang điểm. Mặc dù triển vọng thương mại trong tương lai gần còn trầm lặng, dòng vốn FDI ổn định sẽ giúp ASEAN tiếp tục thăng hạng trong chuỗi giá trị và củng cố tầm quan trọng của mình trong thương mại toàn cầu. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội vàng này để nhanh chóng thăng hạng trên bản đồ FDI khu vực.