Nhìn chung, quý I/2024 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Ảnh: Quý Hòa

 
Hà Cúc Thứ Hai | 03/06/2024 07:00

Lực đỡ tuần hoàn của Vĩnh Hoàn

Kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy sự khởi sắc của Vĩnh Hoàn sau một năm khó khăn.

Kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được kỳ vọng đã tạo đáy khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần quý I/2024 của Vĩnh Hoàn đã đạt 2.855 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất với mức cơ bản là 10.700 tỉ đồng (tăng 6,6% so với thực hiện năm 2023); mức cao đạt 11.500 tỉ đồng (tăng 14%). Lãi ròng hợp nhất với kế hoạch cơ bản là 800 tỉ đồng (giảm 12,9% so với năm 2023); mức cao đạt 1.000 tỉ đồng (tăng 8,8%).

Doanh thu tăng trưởng 

Như vậy, kết thúc quý đầu năm với mức lãi 169,66 tỉ đồng, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành 21,2% so với kế hoạch lãi 800 tỉ đồng và hoàn thành 17% so với kế hoạch lãi 1.000 tỉ đồng trong năm 2024. Nói về kết quả tăng trưởng 2 con số, lãnh đạo Công ty cho biết Vĩnh Hoàn vẫn phát triển tốt tại 3 thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc và nội địa. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu tại thị trường nội địa cũng tăng lần lượt 137% trong tháng 1, 11% trong tháng 2 và 17% trong tháng 3.

Đây là kết quả đáng chú ý khi năm 2023, biên lợi nhuận gộp của Công ty liên tục suy giảm trong bối cảnh ngành xuất khẩu cá tra còn nhiều khó khăn. Đồng thời, trái ngược với kết quả doanh thu tích cực của Vĩnh Hoàn, một số doanh nghiệp lớn trong ngành cá tra lại giảm sâu về doanh thu như IDI giảm 7,5%, còn 1.629 tỉ đồng; Navico giảm 12%, còn 1.016 tỉ đồng.

Nhìn chung, quý I/2024 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ, trong đó mặt hàng cá tra vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng dương. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết mặt hàng cá tra sụt giảm trong quý I là do các thị trường lớn như EU, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm mạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn có lợi thế khi theo VASEP, xuất khẩu cá tra đang khả quan hơn tại thị trường Mỹ. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi lê đông lạnh, các doanh nghiệp có khuynh hướng tăng cường giới thiệu sản phẩm cá tra chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng.

Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đứng đầu ngành chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Thị trường Mỹ cũng chiếm 40% doanh thu xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp này. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Vĩnh Hoàn sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc Chính phủ Mỹ mở rộng lệnh cấm nhập khẩu cá minh thái có xuất xứ từ Nga.

VDSC dự báo sản lượng xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sang Mỹ trong năm nay sẽ tăng từ 10% trở lên trong bối cảnh Mỹ dự kiến thiếu khoảng 22.000 tấn cá minh thái. Tương tự, xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sang EU cũng sẽ hưởng lợi nhờ EU đã áp mức thuế 13,7% lên sản phẩm cá có xuất xứ từ Nga kể từ đầu năm 2024. 

Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn cũng đối mặt với nhiều khó khăn chung của ngành là các chi phí như nhân công, xăng dầu, logistics... gia tăng. Ngoài ra, do tình hình xuất khẩu khó khăn từ năm 2023, cả người nuôi và doanh nghiệp nuôi cá đều điều chỉnh giảm sản lượng nuôi, thời tiết cũng không thuận lợi, dẫn đến nguồn nguyên liệu cá tra từ đây đến cuối năm không dồi dào. Mặt khác, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe.

Cải thiện lợi nhuận

“Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, cho biết. Do đó, việc đẩy mạnh các sản phẩm mới, chế biến sâu cũng giúp những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn gia tăng giá trị sản phẩm, tìm thêm thị trường mới. Bởi vì dù doanh thu tăng, nhưng trong quý I, giá vốn hàng bán của Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh gần 41%, lên hơn 2.589 tỉ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm hơn 41%, còn hơn 266 tỉ đồng.

Vĩnh Hoàn đang là doanh nghiệp có lợi thế dẫn đầu trong ngành thủy sản với mô hình nuôi trồng bền vững và khép kín với 5 công ty con gồm sản xuất giống cá tra, thức ăn thủy sản, chiết xuất và sản xuất gelatin, collagen cùng một công ty liên kết trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Trong đó, mảng collagen và gelatin giảm mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng xuất khẩu cá tra. Biên lợi nhuận gộp của nhà máy sản xuất collagen và gelatin có thể lên tới 30%.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vĩnh Hoàn, cho biết, việc tối ưu hóa được sản xuất, khép kín hết, không để tồn cặn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được lợi nhuận. Về kế hoạch đầu tư, năm 2024 Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư 930 tỉ đồng, trong đó sẽ đầu tư mở rộng nâng cấp tăng công suất sản xuất collagen và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen.

Bên cạnh nhà máy chế biến surimi từ thịt vụn cá tra, Vĩnh Hoàn đang phát triển thêm các mặt hàng giá trị gia tăng từ surimi như cá bao nhân, thanh cua, tôm... và mở rộng thêm mảng cá biển (cá hồi và cá thịt trắng) để sẵn sàng cho cơ hội phát triển trong những năm tới nhằm đa dạng sản phẩm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. “Chúng tôi đã vững vàng phát triển Vĩnh Hoàn thành một tập đoàn thực phẩm, chứ không khoanh vùng trong mảng thủy sản”, bà Khanh nói.