Dòng vốn đầu tư của người Nhật vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đi cùng với sự dịch chuyển các nhà máy Nhật từ Trung Quốc sang.
Lực đẩy từ vốn Nhật
Dấu ấn của người Nhật để lại khá rõ trong liên doanh phát triển Becamex - Tokyu để xây dựng thành phố mới Bình Dương, liên doanh Phú Mỹ Hưng - Daiwa House Group, Nomura Real Estate Group - Sumitomo Forestry Group phát triển dự án Midtown chuẩn Nhật tại khu Nam, Vinhomes bắt tay với Mitsubishi, Nomura phát triển dự án The Origami (quận 9) hay Nam Long hợp lực với Nishi-Nippon Railroad trong dự án có tính bản lề Water Point (Long An).
Với sự hiệu quả của dòng vốn Nhật, cuối năm 2020, Nam Long cùng đối tác Nhật tăng vốn sở hữu dự án Đồng Nai Waterfront. Theo đó, sau khi thỏa thuận chuyển nhượng từ Keppel Land cho Nam Long hoàn tất thì Nam Long nâng tỉ lệ sở hữu lên 65,1%, đối tác chiến lược Hankyu Hanshin là 34,9%.
Nhờ kinh tế tăng trưởng lạc quan, quy mô dân số trẻ và đông đúc, bất động sản Việt Nam đang lọt vào top các thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực, trong đó có người Nhật. Một khảo sát gần đây của Công ty CBRE với 490 nhà đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về kế hoạch đầu tư bất động sản của họ trong năm 2021 cho thấy khá nhiều nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm lớn đến thị trường TP.HCM, đặc biệt là ở mảng sản xuất, công nghiệp và kho vận.
“TP.HCM được các nhà đầu tư quan tâm nhiều trong những năm qua, đặc biệt là những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á. Các tài sản bất động sản tại TP.HCM được cho là có nhiều tiềm năng để tăng giá trị và tỉ suất sinh lời cao”, bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, cho biết.
Thú vị hơn, các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Đông Nam Á cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các bất động sản trong năm nay. 39,4% số nhà đầu tư này sẵn sàng trả giá cao hơn 10% so với năm 2020 và 19,7% sẵn sàng trả nhiều hơn mức 10%.
Theo nhận định của CBRE, các nhà đầu tư gia tăng tìm kiếm tài sản có tiềm năng tăng giá trị và tài sản cốt lõi và một số bắt đầu tìm kiếm tài sản đang bị áp lực tài chính (distressed assets). Bất động sản công nghiệp/kho vận và văn phòng tiếp tục là loại hình được tìm kiếm nhiều nhất.
Sự tỉ mỉ của người Nhật trong quá trình thẩm định doanh nghiệp để đầu tư là bài toán khó của các doanh nghiệp Việt nhưng kết quả mang lại là đáng giá. Đặc biệt, tính cộng đồng rất cao là đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp Nhật khi rót vào Việt Nam. Đơn cử như không chỉ sở hữu cổ phần, nhà đầu tư Nhật còn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm đối tác Nhật cùng tham gia phát triển dự án hay giúp công ty tiếp cận với nguồn vốn vay có chi phí rẻ từ các định chế tài chính Nhật. Nhờ nguồn tiền đó, các doanh nghiệp như Danh Khôi, An Gia không ngần ngại trong việc nhanh chóng mở rộng quỹ đất và lột xác trở thành một tay chơi mới đáng chú ý trên thị trường TP.HCM.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, không chỉ là cổ đông chiến lược của công ty mẹ mà nhà đầu tư Nhật còn tham gia góp vốn vào mỗi dự án riêng rẻ (chiếm 50% trên vốn chủ sở hữu). Nhờ nguồn lực tài chính mạnh mẽ đó, An Gia trong các năm qua không ngần ngại thực thiện hàng loạt M&A các dự án ở TP.HCM, Bình Thuận, Bình Dương, Long An. “Mỗi năm, An Gia sẽ chi từ 5.000-10.000 tỉ đồng để tạo quỹ đất”, ông Nguyễn Bá Sáng chia sẻ.
Để bắt kịp các đối thủ trong mảng bất động sản công nghiệp, Phát Đạt cũng bắt tay với đối tác Nhật để thực hiện chiến lược đi tắt đón đầu. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phát Đạt, cho biết, các đối tác Nhật là những đơn vị phát triển khu công nghiệp chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm và đến từ đất nước có lịch sử phát triển khu công nghiệp lâu năm. Hợp tác với họ, Phát Đạt sẽ được “đứng trên vai” những người đi trước có đầy đủ năng lực, có khách hàng, kinh nghiệm lẫn tầm nhìn. Từ đó, sẽ phát huy lợi thế và giúp đạt kết quả ở mức tốt nhất.
Dòng vốn đầu tư của người Nhật vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đi cùng với sự dịch chuyển các nhà máy Nhật từ Trung Quốc sang. Ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Nhật đang tập hợp sức mạnh để phục hồi nền kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19 với gói cứu trợ trị giá 2,3 tỉ USD. Trong số 81 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Nhật, Việt Nam là lựa chọn lớn nhất của các nhà đầu tư Nhật với 37 doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm đến. Thái Lan là điểm đến yêu thích thứ 2 (19 doanh nghiệp lựa chọn). “Những con số này cho thấy sự kỳ vọng cao mà các doanh nghiệp Nhật đặt vào Việt Nam và sự tin tưởng của họ vào triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Yamada Takio cho biết.
Đầu năm nay, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Kiraboshi tại Việt Nam để phát triển thành một liên minh lớn mạnh. Theo biên bản ghi nhớ, SCB phối hợp với Kiraboshi chăm sóc các khách hàng cá nhân của Kiraboshi sinh sống, làm việc, du lịch tại Việt Nam. Đồng thời, SCB phối hợp với Kiraboshi cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng tổ chức, khách hàng doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời sẽ cùng phối hợp xây dựng giải pháp tài chính toàn diện và phù hợp cho từng khách hàng, cũng như cho từng hệ sinh thái khách hàng của cả hai.
Trong xu hướng này, mặt bằng giá tại Việt Nam đang khá thấp so với các nước trong khu vực, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 35%. Con số này thể hiện tiềm năng của Việt Nam vô cùng lớn, đây cũng là nguyên nhân thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật.