Ảnh: QH
Lực đẩy số của PNJ
Trên sàn chứng khoán, cứ mỗi khi giá vàng tăng thì các nhà đầu tư lại kháo nhau mua cổ phiếu PNJ - một thương hiệu kim hoàn có thâm niên. Dù vậy, có một điều thú vị là thị giá PNJ không hẳn song hành cùng giá vàng. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết giá vàng tăng hơn 14%, trong khi thị giá PNJ lại giảm gần 12% trong 8 tháng đầu năm.
Ngoài sự ảnh hưởng chung khi thị trường đi xuống, cổ phiếu PNJ đang được nhiều nhà đầu tư chú ý vì Công ty đã có những động thái mới trong hoạt động kinh doanh, dự kiến sẽ trở thành động lực chính trong chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Có thể thấy rõ nhà sản xuất kim hoàn trước đây đang thực hiện những bước đi tuần tự với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hiện đại và kết quả ngày càng hiện rõ hơn.
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận PNJ được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Cụ thể, tổng doanh thu thuần tăng 5%, trong khi lợi nhuận đạt 1.685 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, còn tỉ lệ lợi nhuận biên tăng từ 18% lên 22%. Báo cáo cho thấy PNJ hiện kinh doanh hiệu quả hơn vì tỉ trọng doanh thu bán lẻ hàng trang sức tăng (vốn có tỉ lệ lợi nhuận cao hơn là bán sỉ), nhưng trong giải trình của PNJ có một điểm đáng chú ý, đó là năng lực quản trị sản xuất được nâng cao, giúp hạ giá thành sản phẩm. “Chi phí vận hành được tối ưu hóa, khai thác hiệu quả đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận”, báo cáo của Công ty cho biết.
Trước đó, PNJ khởi chạy hệ thống quản trị ERP vào đầu tháng 4, nhưng sự tích hợp diễn ra không suôn sẻ như mong muốn, dẫn đến tình trạng thiếu hàng để bán và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh trong quý II. Dù vậy, các nhà phân tích ở nhiều công ty chứng khoán đều nhận định rằng đây chỉ là sự cố kỹ thuật trong ngắn hạn, khi công suất các nhà máy trở về mức thông thường vào tháng 6.
ERP được hiểu là hệ thống quản lý nguồn lực của một doanh nghiệp, việc tích hợp sẽ giúp Công ty hoạch định và chủ động được việc sản xuất, tối ưu hóa các chuỗi quy trình liên quan, từ đó kinh doanh hiệu quả hơn. Một ví dụ tiêu biểu là cổ phiếu “hot” của thị trường là Công ty Thế Giới Di Động vốn đã áp dụng hệ thống ERP từ lâu. Việc hoạch định lại nguồn lực sẽ mang đến nhiều lợi ích cho PNJ, đặc biệt là cải thiện hiệu quả chi phí.
Có thể thấy một xu hướng chung là tỉ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của PNJ đang ở xu hướng giảm. Cụ thể, tỉ lệ này ở mức 84,82% vào năm 2015 về còn 80,93%. PNJ đang đầu tư nhiều hơn vào hệ thống bán hàng và nhân sự, khi tỉ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý ngày càng cao hơn trong vài năm trở lại đây.
Tất nhiên, việc phát triển hệ thống ERP là không đơn giản, điển hình sự cố vừa qua. Dù vậy, đây là cơ sở quan trọng để PNJ chuyển mình trong những năm tới. Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, khẳng định PNJ sẽ chuyển đổi thành công ty số.
Khảo sát Global Digital IQ năm 2019 của PwC trên 2.200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu cho thấy gần một nửa số người được phỏng vấn cho biết tỉ lệ lợi nhuận biên của công ty đã tăng 10% trong 3 năm qua khi doanh nghiệp trở nên thông minh hơn.
Mới đây, tại hội nghị công nghệ do Tạp chí NCĐT tổ chức, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc PNJ, cho rằng: “Có thể ví văn hóa PNJ như một hệ điều hành và dù đã được lập trình cách đây 31 năm nhưng vẫn đủ sức tích hợp các mô hình mới như bán lẻ và sắp tới là đa kênh”.
Việc kiểm soát tốt chi phí cũng trở nên đặc biệt quan trọng khi PNJ bắt đầu đẩy mạnh mở rộng hệ thống bán lẻ. Thống kê cho thấy cả chi phí đều tăng lên đáng kể, đặc biệt là những chính sách liên quan đến lao động và nhân sự. Bên cạnh vấn đề quản trị chi phí, một hướng đi quan trọng khác là PNJ tăng cường bán những sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận cao hơn. Đầu năm nay, cửa hàng PNJ Next quy mô lớn ra mắt, kinh doanh đồng hồ và trang sức.
“Thị trường trang sức đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%/năm và Việt Nam vẫn là nơi có lượng tiêu thụ vàng ở mức thấp so với nhiều nước khác trong khu vực châu Á”, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định. Theo ông Thông, cơ hội cho PNJ vẫn còn rộng mở, nhưng Công ty vẫn phải chuẩn bị tốt trong thời gian tới, đặc biệt là khi thị trường ngày càng có thêm nhiều công ty trong và ngoài nước gia nhập cuộc chơi.
Cổ phiếu PNJ vì thế ngày nay có lẽ nên được xem xét là cổ phiếu bán lẻ, thay vì kim hoàn như trước kia. Nhìn về tổng thể, cổ phiếu PNJ khá hấp dẫn khi có kết quả kinh doanh vượt trội trong năm ngoái. Cụ thể, tổng doanh thu tăng 33% (trong đó mảng trang sức vàng bán lẻ tăng 41%) còn lợi nhuận sau thuế tăng 32% và vượt 9% kế hoạch. Nếu giải quyết tốt bài toán chi phí, cổ phiếu PNJ được kỳ vọng tiếp tục giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm tiếp theo. “Tỉ suất lợi nhuận biên của PNJ sẽ có xu hướng tăng vì mảng bán lẻ trang sức vàng đóng góp ngày càng nhiều hơn và quản trị chi phí tốt hơn”, báo cáo của SSI nhận định.