Du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, nông dân và cảnh quan nông thôn.

 
Ngọc Minh Thứ Sáu | 19/01/2024 07:00

Lực đẩy du lịch nông nghiệp

Còn rất nhiều việc phải làm để du lịch nông nghiệp có thể trở thành động lực phát triển nông thôn toàn diện.

Xu hướng du lịch nông nghiệp đang nổi lên trên toàn cầu đã tìm thấy điểm cập bến lý tưởng ở Việt Nam, quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến 62,7% (theo số liệu từ Statista).

Điểm đến lý tưởng 

Du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, nông dân và cảnh quan nông thôn. Loại hình này có thể cung cấp trải nghiệm toàn diện, hấp dẫn cũng như mang tính giải trí và giáo dục. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỉ USD, tăng trưởng hằng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm.

 

Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du lịch nông nghiệp tăng vọt trong thời gian gần đây. Ở miền Bắc, các tour du lịch nông nghiệp tập trung vào cấy lúa nước truyền thống, các nghề thủ công, như tour trải nghiệm văn hóa đồng lúa hay khám phá con đường di sản ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các sản phẩm thể hiện tính đa dạng nông nghiệp, ví dụ như tour tham quan làng dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Hay ở phía Nam, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều loại hình phát triển du lịch đang phát triển, tập trung 4 loại hình: du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là 2 loại hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới gắn với làng nghề gốm cổ Bầu Trúc và làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Phong, chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), cho biết cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở khu vực nông thôn.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình nông thôn mới đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Homestay hay nhà trọ?

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, một số thách thức đang cản trở du lịch nông nghiệp phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam. Một trong những vấn đề chính là phát triển sản phẩm. Mặc dù Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú nhưng ngành du lịch nông nghiệp vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược thương hiệu. Điều này khiến sản phẩm du lịch gặp khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của du khách.

Du lịch nông nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức về chất lượng dịch vụ, cụ thể là nhiều người dân địa phương còn thiếu kỹ năng cần thiết để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp. Vì nhược điểm này mà các sản phẩm du lịch còn đơn giản, chưa được khai thác tốt, khiến khả năng chi tiêu của du khách bị hạn chế. Điều này cản trở tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp và hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Phạm Hương Trang, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho rằng ở Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, mô hình du lịch nông trại quy mô lớn có thể không phù hợp. Các khoản đầu tư trong tương lai vào du lịch nông nghiệp nên tập trung cung cấp các dịch vụ quy mô nhỏ nhưng tinh tế, chuyên nghiệp và thân thiện như homestay và những chuyến dã ngoại cho học sinh.

 

Các sản phẩm bổ trợ cho du lịch nông nghiệp nên hướng tới cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chữa bệnh, mỹ phẩm thiên nhiên và trải nghiệm spa. Sự đa dạng hóa này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể và đáp ứng thị hiếu đa dạng của du khách, mà còn giúp ngành du lịch nông nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và hấp dẫn hơn.

Du lịch nông nghiệp có thể áp dụng và thể hiện nhiều khía cạnh của lối sống xanh, như các mô hình thành công ở những điểm đến như Đài Loan hay Nhật đã cho thấy. Ví dụ, nông trại giải trí Tiên Hồ ở Đài Loan vừa trồng trái vải và cà phê, vừa chế biến các nông sản này thành mặt hàng có giá trị cao. Nông trại hướng đến cung cấp cho du khách lựa chọn ăn uống an toàn, chỗ ở thoải mái, hoạt động giải trí thú vị và trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy.

Trong khi đó, người dân ở thị trấn Yufuin, Nhật đã tạo ra thương hiệu YUFUIN PLUS để quảng bá nhiều mặt hàng hữu cơ được sản xuất tại địa phương, đồng thời giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Các nhà hàng phục vụ thực đơn lấy cảm hứng từ ẩm thực phương Tây và Nhật, trong khi hoạt động du lịch như đạp xe, đi tàu và lễ hội kết hợp giới thiệu nghề thủ công, tinh hoa ẩm thực và nông nghiệp địa phương. Những hoạt động giao lưu trao đổi trong cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về du lịch, khuyến khích họ tham gia vào lĩnh vực này. Cách tiếp cận tổng hợp như vậy nâng cao giá trị nông nghiệp và thu hút du khách.

Rõ ràng, tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp cần có sự đầu tư bài bản hơn. Ở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Cần có cơ chế khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương...

“Sức hấp dẫn của du lịch nông nghiệp Việt Nam có thể được tăng cường thông qua việc kết hợp giá trị thiên nhiên và văn hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và đa dạng hóa dịch vụ. Nếu vượt qua được khó khăn và tận dụng được những thế mạnh độc đáo của mình, Việt Nam có thể định vị trở thành quốc gia đi đầu về du lịch nông nghiệp bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa”, Tiến sĩ Hương Trang nhận định.