Luật Việc làm chưa thể trình Quốc hội do không khả thi
Dự luật quy định về 7 nhóm vấn đề lớn của việc làm: phát triển việc làm; thông tin thị trường lao động; quản lý lực lượng lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; tuyển, đăng ký sử dụng lao động; bảo hiểm việc làm.
3 nhóm đối tượng áp dụng của luật này gồm người lao động Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm.
Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, một trong những điểm mới căn bản của chương bảo hiểm việc làm tại dự án luật so với các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp là đã bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm bên cạnh chế độ bảo hiểm thất nghiệp, phát triển bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm với phạm vi, đối tượng bao phủ và chế độ rộng hơn cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Nguyên tắc bảo hiểm việc làm là bảo hiểm bắt buộc, có tính chia sẻ lớn giữa những người tham gia bảo hiểm việc làm.
Tuy nhiên, đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều cả ở cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng như tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chỉ ra sự thiếu chín chắn khi mới kỳ họp trước thảo luận về Bộ luật Lao động thì cơ quan soạn thảo ra sức bảo vệ sự hợp lý của bảo hiểm thất nghiệp, nay lại cho rằng bảo hiểm việc làm mới là tiến bộ.
Một số ý kiến khác cũng chưa tìm thấy sự thuyết phục vì chưa có đánh giá tổng kết về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cũng như khó có thể có nguồn lực để thực hiện bảo hiểm việc làm như dự luật.
Nhìn toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét rằng "dự án luật chán quá" khi toàn bộ hệ thống chính sách về việc làm hoàn toàn chưa được đề cập, trong khi quá nhiều quy định chung chung, nhiều nội dung trùng với luật hiện hành và rất khó khả thi. Nếu trình dự án luật này thì Quốc hội sẽ phê bình, Chủ tịch nói.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cũng quan ngại khi phạm vi điều chỉnh của dự án luật quá lớn, trong khi có đến 33/100 điều liên quan đến chính sách cụ thể lại chưa rõ ràng.
Kỳ họp tới sẽ chưa trình Quốc hội dự án Luật Việc làm mà rà soát, chỉnh lý để trình vào kỳ họp sau, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng kết thúc phiên thảo luận.
Nguồn VnEconomy