Luật sư đề nghị tòa tuyên "bầu" Kiên vô tội
Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng đại diện Viện KSND tối cao đã không đưa phần diễn biến của phiên tòa phúc thẩm vào bản luận tội mà chỉ căn cứ trên cáo trạng và bản án sơ thẩm.
Khẳng định chưa có hậu quả
Trình bày bào chữa cho "bầu" Kiên về tội cố ý làm trái, luật sư Nam cho rằng việc án sơ thẩm xác định những hậu quả như “tạo ra dòng tiền và tài sản ảo”, “làm tăng trưởng tín dụng ảo”, “tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo", “sự cạnh tranh không lành mạnh”… là những hậu quả phi vật chất.
Điều 165 Bộ luật hình sự đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hậu quả về thiệt hại vật chất là dấu hiệu pháp lý bắt buộc phải có. Nếu thực hiện hành vi cố ý làm trái mà không gây thiệt hại về vật chất, hoặc thiệt hại vật chất quy ra tiền chưa tới 100 triệu đồng thì không cấu thành tội phạm quy định tại điều này - luật sư Nam nói.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho "bầu" Kiên) cho rằng hậu quả của hành vi cố ý làm trái chưa xảy ra.
“Bản án nêu số tiền 718 tỉ đồng đã được giải quyết trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên HĐXX không xem xét. Vậy đã không xét thì căn cứ nào để coi hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, trong khi đây là vấn đề quan trọng. Bản án đối với Huỳnh Thị Huyền Như là chưa có hiệu lực, phiên phúc thẩm tới đây các phán quyết liệu có còn giữ nguyên.
Tòa sơ thẩm đã căn cứ vào bản án chưa có hiệu lực pháp luật để làm căn cứ buộc tội các bị cáo. Tôi cho rằng không phù hợp với quy định của pháp luật. Dấu hiệu thế này tiềm ẩn nguy cơ oan sai cho các bị cáo” - luật sư Thiệp nói.
Theo ông Thiệp, bản án sơ thẩm thể hiện tại tòa, đại diện Ngân hàng ACB khẳng định số tiền hơn 600 tỉ đồng từ hành vi đầu tư cổ phiếu là không mất nên tòa không xét.
“Không xem xét thì căn cứ đâu để kết tội các bị cáo. ACB được xác định tư cách tố tụng là nguyên đơn dân sự. Trong khi luật quy định nguyên đơn dân sự là cơ quan, cá nhân bị thiệt hại do tội phạm gây ra, và phải có đơn yêu cầu bồi thường. ACB đã xác định không có đơn yêu cầu bồi thường, tại sao tòa cứ cố bắt ACB là bị hại?” - luật sư Thiệp đặt vấn đề.
Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Thiệp cho rằng hành vi của Nguyễn Đức Kiên chưa đủ các yếu tố, dấu hiệu đặc trưng để cấu thành 4 tội theo quy định của Bộ luật hình sự. Luật sư Thiệp đề nghị hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm phần kết tội với Nguyễn Đức Kiên, tuyên bố bị cáo Kiên không phạm tội và đình chỉ vụ án theo quy định tại Bộ luật hình sự.
Đề nghị VKS phải đối đáp
Về hành vi trốn thuế của bầu Kiên, luật sư Nam cho rằng hợp đồng giao kết giữa Nguyễn Thúy Hương với Công ty B&B, giữa B&B và Ngân hàng ACB là hợp pháp, không phải là hợp đồng khống. Công ty B&B đã thực hiện việc nộp thuế, có thanh tra Cục Thuế Hà Nội thanh tra và kết luận việc kê khai nộp thuế của B&B trong các năm 2009, 2010 và không xác định có vi phạm.
Luật sư Nam đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phạm tội trốn thuế.
Luật sư Thiệp cũng cho rằng Tổng cục Thuế không có chức năng xác định hợp đồng ủy thác giữa bầu Kiên và em gái là khống hay không.
“Việc ủy thác là hoạt động dân sự của cá nhân với pháp nhân. Việc xác định khống hay không phải là cơ quan tòa án, chứ cơ quan điều tra phán xét hợp đồng vô hiệu là không đúng. Cho đến nay, hợp đồng giữa bà Hương với Công ty B&B chưa bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên vô hiệu” - ông Thiệp nói.
Trình bày bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát vẫn xác định chưa có thiệt hại.
“Nếu không có sự can thiệp của cơ quan điều tra, hợp đồng vẫn được thực hiện. Việc điều tra vụ án không xuất phát từ ý chí mong muốn của Hòa Phát mà xuất phát từ ý chí mong muốn của cơ quan điều tra” - ông Nghiêm nói trước tòa.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng hành vi của Nguyễn Đức Kiên chưa thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì ông Kiên không có hành vi gian dối, không có hành vi chiếm đoạt. “Việc kết tội ông Kiên là hình sự hóa quan hệ dân sự” - ông Thiệp nói.
Ông Thiệp cho rằng khi ký chuyển nhượng cổ phần, Tập đoàn Hòa Phát không thể nói không biết cổ phần đã bị thế chấp. Vì họ đã ký vào giấy xác nhận đề nghị phong tỏa cổ phần và phải chịu trách nhiệm chứ không thể nại ra lý do không nhớ.
Ông Thiệp đề nghị tòa làm rõ việc sau khi chuyển nhượng cổ phần, Tập đoàn Hòa Phát đã đăng ký sang tên thành công tại Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Hải Dương.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cũng đề nghị đại diện Viện KSND tối cao phải đối đáp lại những vấn đề mà luật sư đặt ra để làm sáng tỏ vụ án.
Sáng 9-12, phiên tòa tiếp tục với phần trình bày bài bào chữa của các luật sư.
Nguồn Tuổi trẻ