Luật PPP có thể được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương, tại phiên họp Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII, chiều 31.7, cho biết, các đối tác Nhật đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý thể chế và môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến các dự án đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jbic) xây dựng khung pháp lý về PPP, trong đó có nội dung liên quan đến việc sử dụng vốn ODA làm phần vốn góp của Nhà nước tham gia vào các dự án PPP”.
“Chúng tôi đồng ý việc đưa đối thoại PPP vào Sáng kiến lần thứ VII của Việt Nam – Nhật bản”, ông Nguyễn Đăng Trương nói. Ông đề nghị sau lễ ký Biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ ngồi lại để bàn về những nội dung hợp tác cụ thể, tránh trùng lặp trong quá trình xây dựng khung pháp lý về PPP.“Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với Jica để thiết lập cơ chế đó, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng luật PPP theo chương trình công tác của Chính phủ chỉ đạo đưa xây dựng luật PPP vào lịch tác, trình Quốc hội xem xét vào cuối kỳ họp cuối năm 2019, để có thể được thông qua vào kỳ họp tháng 5.2020”.
Người đứng đầu Cục quản lý đấu thầu cũng cho hay: “Hôm qua, tôi đã gặp Vụ trưởng, Vụ Tài chính của Jbic đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam có thể hoàn thành xây dựng Luật PPP vào giai đoạn 2019 và 2020”.
Tại phiên họp này, phía Nhật Bản đề xuất 65 tiểu hạng mục, trong đó có nội dung về áp dụng cơ chế bảo lãnh, cơ chế giải quyết tranh chấp, quyền thế chấp tài sản.
“Chúng tôi cơ bản nhất trí với kế hoạch hành động và các nội dung mà phía Nhật Bản đưa ra”, ông Nguyễn Đăng Trương nói. Nhưng “những nội dung này cần đối thoại trực tiếp để có cơ sở xây dựng Luật PPP trong kế hoạch công tác của Chính phủ và Quốc hội sắp tới”.
Phía Nhật Bản cho rằng, Việt Nam có luật PPP là cần thiết. Ông Tetsu Funayama, đại diện phía Nhật Bản cho hay, trong nhóm thảo luận của ông có đại diện của Jbic và Jica. “Chúng tôi sẵn để ngay sau lễ ký có thể thảo luận chi tiết về PPP”, ông Tetsu Funayama nói.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2017 tăng 44,4% so với năm 2016 lên mức 35,8 tỷ USD. Đầu tư của Nhật tăng hơn gấp ba lần lên mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng vốn FDI.
Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII đã chính thức được ký, bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, hôm 31.7, tại Hà Nội. Giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản là 17 tháng, kể từ tháng 8.2018 đến cuối năm 2019.
Kế hoạch hành động giai đoạn VII gồm 10 nhóm vấn đề, trong đó có 9 nhóm vấn đề đã được thống nhất. Nhóm vấn đề thứ 10 về cơ chế trả lời bằng công văn sẽ được thảo luận, kết quả sẽ được đưa vào phần kế hoạch hành động.