Việt Nam được coi là nước có độ mở nền kinh tế khá lớn khi tham gia vào hầu hết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Ảnh: shutterstock.com.

 
Trung Nam Thứ Sáu | 13/12/2024 14:00

Lừa đảo quốc tế bủa vây

Tưởng rằng đang kiếm được tiền trong các hợp đồng thương mại “béo bở”, nhưng hóa ra doanh nghiệp Việt đã bị lừa.

Đầu tháng 10/2024, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) phát đi cảnh báo về trường hợp lừa đảo của một khách hàng tại Malaysia. Dù nội tình vụ việc chưa được tiết lộ chi tiết song được biết, lô hàng nông sản bị đối tác lừa đảo lấy ra khỏi cảng trong khi chủ hàng vẫn giữ bộ vận đơn đường biển gốc, nghĩa là thủ tục chưa hoàn tất. Đối tượng này đã lừa được 3 công ty Việt Nam.

Vạn trạng thủ đoạn

Trước đó, năm 2022, 5 doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng mất quyền kiểm soát với 36 container hàng xuất sang Ý, tương đương 36 bộ chứng từ gốc đi kèm. Giá trị số hàng bị mất là 7.025 triệu USD, tương đương khoảng 162 tỉ đồng thời điểm đó. Sau đó, bằng sự phối hợp giải quyết giữa Chính phủ Việt Nam và Ý, tất cả các container hàng trên đã được trả lại quyền sở hữu cho doanh nghiệp phía Việt Nam. Song bà Nguyễn Thị Hồng Ân, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định: “Những vụ việc lừa đảo như trên đã gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế”.

 

Lo ngại uy tín bị ảnh hưởng, trong nhiều vụ việc, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam chấp nhận “ngậm đắng nuốt cay”, mất luôn số tiền hoặc hàng hóa thay vì thông báo tới nhà chức trách. Do đó, chưa có một con số thống kê chính xác nào về giá trị kinh tế thiệt hại trong những phi vụ lừa đảo. Tuy nhiên, việc cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, khu vực trên thế giới thường xuyên phát đi thông tin doanh nghiệp bị lừa khi giao thương quốc tế cho thấy phần nào tính chất phức tạp của vấn đề.

Việt Nam được coi là nước có độ mở nền kinh tế khá lớn khi tham gia vào hầu hết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp nội địa có nguy cơ cao hơn dính bẫy lừa đảo quốc tế. Trong một khảo sát do PwC từng thực hiện, có tới 52% công ty tại Việt Nam phải đối mặt với tội phạm gian lận. Tỉ lệ này cao hơn so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46%) và toàn cầu (49%).

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo mỗi năm. Trung bình một vụ lừa đảo có trị giá khoảng 1,7 triệu USD. Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài doanh nghiệp.

Kiểm soát lòng tham 

Giới tội phạm nước ngoài nhắm vào doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thông qua nhiều phương thức gian lận khác nhau. Tiến sĩ Greeni Maheshwari, giảng viên cấp cao ngành Quản trị, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT, chỉ ra, tội phạm có thể tạo ra công ty ma và đóng giả là người mua hoặc người bán hợp pháp; sử dụng email hay trang web giả để thuyết phục doanh nghiệp giao hàng mà không thanh toán... Hoặc tội phạm thao túng tài liệu thương mại như vận đơn và thư tín dụng, làm giả quyền sở hữu hoặc tránh trả tiền cho bên xuất khẩu.

 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam dễ bị lừa do nguồn lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm quốc tế, khuôn khổ pháp lý yếu hơn so với quốc gia phát triển khác. Nhiều công ty không tiến hành thẩm định kỹ đối tác nước ngoài, chỉ dựa vào thỏa thuận bằng lời hoặc kiểm tra không đầy đủ. Rào cản ngôn ngữ, văn hóa có thể khiến cuộc đàm phán dễ bị hiểu lầm, làm tăng nguy cơ gian lận.

Dẫn báo cáo của Hiệp hội Các nhà điều tra gian lận được công chứng (ACFE) vào năm 2022, Luật sư Trần Đình Minh Long (Hà Nội) cho biết, có 39% tội phạm lừa đảo tạo tài liệu, văn bản giả mạo; 32% chỉnh sửa tài liệu; 28% tạo tài liệu điện tử giả; 25% chỉnh sửa tài liệu điện tử; 23% phá hủy hoặc che giấu tài liệu. 

“Các vụ lừa đảo đối với doanh nghiệp Việt có vẻ có quy mô lớn so với những nước khác. Về cơ bản, doanh nghiệp Việt dễ bị mờ mắt bởi lợi nhuận từ đơn đặt hàng lớn bất ngờ. Thậm chí, doanh nghiệp còn bỏ qua cảnh báo của các cơ quan uy tín như Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài”, luật sư Long nói.

Rất khó truy đối tượng lừa đảo, việc thu hồi tiền bị lừa còn khó hơn. Sự chồng chéo trong chuỗi giao dịch thương mại quốc tế; khác biệt địa lý, pháp lý giữa các quốc gia; hoạt động tương trợ tư pháp, trọng tài thương mại, tố tụng quốc tế... đều tốn kém cả tiền lẫn thời gian nhưng chưa chắc mang lại kết quả tốt. Do đó, luật sư Long cho rằng cách đề phòng tốt nhất là phòng thủ, không để bị lừa ngay từ đầu chứ không phải trở thành nạn nhân rồi mới khắc phục sự cố.

Có một số cách đơn giản mà doanh nghiệp nên sử dụng để đề phòng tội phạm lừa đảo. Cụ thể, kiểm tra trang web doanh nghiệp bằng cách tra cứu qua công cụ Whois để biết ai đăng ký tên miền trang web đối tác. Hoặc doanh nghiệp sử dụng trang web phát hiện lừa đảo như ScamAdviser, BBB Scam Tracker hoặc FTC - Cơ quan Thương mại Liên bang Mỹ để kiểm tra doanh nghiệp đối tác có bị báo cáo về hoạt động gian lận hay không.

Trong thanh toán quốc tế, theo Tiến sĩ Greeni Maheshwari, nên lựa chọn thư tín dụng do ngân hàng uy tín, lâu đời phát hành. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chống lại các tổn thất tài chính tiềm ẩn do gian lận bằng việc mua bảo hiểm thương mại. Thuê đối tác logistics đáng tin cậy cũng rất quan trọng. Các đơn vị này có chuyên môn trong quản lý lô hàng quốc tế, giảm thiểu rủi ro gian lận. Cuối cùng, hợp tác với nhà môi giới thương mại hoặc cố vấn uy tín, hiểu biết sâu sắc về thị trường quốc tế. Những trung gian này có thể cung cấp hiểu biết có giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán, giúp thu hẹp khoảng cách văn hóa, ngôn ngữ giữa doanh nghiệp nội và đối tác. 

Có thể bạn quan tâm 

ABA Cooltrans cô đơn trong chuỗi lạnh