Lựa chọn nào cho thương mại Việt - Mỹ?
Khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do TPP vào tháng 1/2017, ông đã làm đảo lộn các kế hoạch tại Việt Nam của nữ doanh nhân Rose Tran.
Bà Tran, vốn trước đây là một chuyên viên ngành ngân hàng, đã huy động 50 triệu USD để mở một nhà máy may ở TPHCM, nhằm đặt cược vào cơ hội thâm nhập những thị trường như Mỹ nhờ hiệp định TPP mang lại. "Chúng tôi phải nói là rất thất vọng", bà nói. Hiện bà Tran đang cố gắng vạch lại chiến lược và trả nợ.
Gần 5 tháng sau đó, các chuyên gia thương mại đang theo dõi cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để tìm hiểu cách chính quyền mới của nước Mỹ sẽ làm việc với Việt Nam. Là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Việt Nam rất cần các doanh nghiệp như của bà Tran để thúc đẩy tăng trưởng.
Việt Nam đã duy trì tăng trưởng hàng năm hơn 6% trong vòng một thập kỷ qua, nhờ lợi thế sản xuất với chi phí thấp, thu hút các công ty như Nike và Samsung Electronics. Các chuyên gia kinh tế ước tính hiệp định TPP có thể giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đẩy tăng trưởng kinh tế lên thêm 8% - nhiều hơn bất kỳ đối tác khác trong TPP. Việt Nam cũng coi thỏa thuận này là động lực cho việc cải tổ trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách phát triển thương mại hơn nữa với Mỹ.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong 10 năm trở lại. Nguồn: The Wall Street Journal |
Theo bình luận của các chuyên gia thương mại quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng sẽ bắt đầu những cuộc đàm phán để thay thế TPP bằng thỏa thuận song phương, vốn là điều mà chính quyền Trump muốn, thay vì các thỏa thuận đa quốc gia.
"Việt Nam muốn tìm hiểu rõ hơn những gì Mỹ muốn", là nhận xét của John Goyer, giám đốc cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ khu vực Đông Nam Á. "Liệu Mỹ muốn gì từ hiệp định thương mại song phương mà họ không có được từ TPP?".
Trong khi các quan chức của Trump cho rằng một thỏa thuận thương mại song phương (BTA) với Việt Nam là khá khả thi, dường như hiệp định này có thể chỉ được xem xét sau khi Mỹ đã hoàn tất việc sửa đổi NAFTA và các hiệp định với Anh hay Nhật Bản, báo The Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận với vụ việc cho biết.
Hôm thứ Ba, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bày tỏ lo ngại khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng. Ông Lighthizer nhấn mạnh mức thâm hụt thương mại 32 tỷ USD của Mỹ với Việt Nam tại một buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp.
"Thâm hụt thương mại lớn dần chính là thách thức mới", Lighthizer nói.
Nữ doanh nhân Rose Tran, người đã huy động 50 triệu USD để mở nhà máy may tại TPHCM và đặt cược vào thị trường Mỹ. Nguồn: John Lyons/The Wall Street Journal |
Biết rõ những lo ngại này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuẩn bị trước cách để làm hài lòng Tổng thống Trump, người rất thích khoe về những thỏa thuận tỷ đô. Bộ Thương mại Mỹ đưa ra tuyên bố cho biết Thủ tướng Phúc đã tham dự "lễ ký kết 13 hợp đồng thương mại mới với trị giá 8 tỷ USD", trong đó riêng giá trị các hợp đồng về năng lượng và hàng không với General Electric đã lên tới gần 6 tỷ USD.
"Họ có đơn hàng lớn với Mỹ có giá trị hàng tỷ USD, và chúng tôi đánh giá cao điều này, vì nó đồng nghĩa sẽ có việc làm cho người Mỹ và thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam", Tổng thống Trump nói.
Một nhà kinh tế cho rằng ngay cả nếu Mỹ kiềm chế nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, có lẽ các việc làm trong ngành sản xuất cũng sẽ không có sự dịch chuyển về lại những nhà máy chi phí cao của Mỹ.
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cũng cho rằng, hợp tác với Việt Nam cũng đem lại lợi ích an ninh đối với Mỹ. Quan hệ giữa hai nước cũng ấm dần lên và năm ngoái Mỹ cũng đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu giữa 11 nước TPP với Trung Quốc và Mỹ (đơn vị tỷ USD). Nguồn: The Wall Street Journal/IMF via CEIC data |
Việc ký thỏa thuận thương mại với các nước khác cũng là một chiến lược quan trọng giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc hiện cũng đang đẩy mạnh Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời tích cực cho vay đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng khắp khu vực.
Hiệp định thương mại của Việt Nam với Liên minh châu Âu đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng. Các nước TPP cũng đang cân nhắc một hiệp định không có Mỹ, một động thái giữ hiệp định này tồn tại và cho phép Mỹ có thể tham gia lại TPP sau này.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các hiệp định với Mỹ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam mở cửa hơn và dựa vào thị trường nhiều hơn. Bà Lan và các chuyên gia khác muốn Việt Nam sẽ thực hiện các cuộc cải tổ đã cam kết trong TPP nhằm giữ đà tăng trưởng. Điều này bao gồm việc buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh không cốt lõi, và đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn nữa. "Sẽ khó thực hiện điều này nếu không có TPP, nhưng chúng tôi cam kết thực hiện nó", bà Lan nói.
Tại nhà máy LPTEX của bà Rose Tran, bà vẫn đang tìm kiếm chiến lược xuất khẩu mới hậu TPP. Để đảm bảo đủ điều kiện cho các quy tắc của TPP, bà Tran đã nhập các loại máy may đắt tiền từ châu Âu và thuê một chuyên gia từ Italia để quản lý chúng, cũng như tìm thông dịch viên cho ông này.
Lợi thế TPP mất đi, nhưng bà Tran vẫn hy vọng các thiết bị máy móc này sẽ giúp bà có được hợp đồng với các khách hàng chất lượng cao. Cho đến nay, LPTEX đang sản xuất sản phẩm áo vest cho vài thương hiệu đến từ châu Âu.
Khẩu hiệu mới của công ty bà giờ là: "Sản xuất tại Việt Nam với chất lượng Italia, theo tiêu chuẩn Nhật Bản".
"TPP không đến, nhưng chúng tôi cho rằng mình vẫn có thể thâm nhập được vào thị trường Mỹ nhờ đảm bảo chất lượng", bà Tran nói.
Trường Văn
Nguồn The Wall Street Journal