Thứ Sáu | 07/06/2013 16:41

Lựa chọn cách nào để phá băng nợ xấu tại Việt Nam?

Để phá băng nợ xấu, có 3 sự lựa chọn dành cho Việt Nam: chính phủ không can thiệp, can thiệp bằng tiền tệ hay can thiệp bằng ngân sách.
Tại buổi hội thảo “Nợ xấu, Lãi suất và tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam” do công ty chứng khoán Vietcombank tổ chức chiều nay (7/6), TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, quá trình nghiên cứu xử lý nợ xấu tìm ra 3 mô hình xử lý nợ xấu.

Mô hình thứ nhất, chính phủ không can thiệp, mà để thị trường tự điều chỉnh. Theo cách này, nợ xấu sẽ được xử lý trong vòng 7-10 năm. Tuy nhiên, đổi lại tín dụng và bất động sản vẫn sẽ đóng băng, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 3-4%.

Mô hình thứ 2, chính phủ can thiệp chủ yếu bằng tiền tệ, chẳng hạn bằng quy định dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại tệ, tái cấp vốn trực tiếp. Theo cách này, nợ xấu sẽ được giải quyết trong vòng 3-5 năm. Thời gian rút ngắn hơn, đồng thời tăng trưởng cao hơn 6-6,2%. Băng tín dụng và bất động sản tan từ từ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12-14%.

Mô hình thứ 3, chính phủ can thiệp bằng nguồn vốn ngân sách. Theo mô hình này, nhà nước có thể tiến hành theo 2 cách: bán tài sản nhà nước (vốn góp tại các doanh nghiệp nhà nước như Vinamilk, Vinaphone, Mobiphone) hoặc nhà nước vay nợ trong nước và nước ngoài.

Hiệu quả của chính sách này, nợ xấu được giải quyết trong thời gian ngắn, từ 2-3 năm. Bài toán phá băng nợ xấu, phá băng bất động sản và phá băng tín dụng đều đạt được. Tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể tăng 14-17%. Đồng thời tăng trưởng có thể đạt tới 8%.

Dường như, cách phá băng nợ xấu thứ 3 có vẻ hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trên thế giới mới chỉ có Hàn Quốc thành công với phương án xử lý này với mô hình Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc KAMCO. Nguyên nhân chủ yếu do sức ép chính trị là rất lớn, vì cách thứ 3 phải sử dụng đến nguồn vốn ngân sách, nơi mà nguồn thu chủ yếu đến từ thuế của nhân dân và doanh nghiệp.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trừ Hàn Quốc, hầu như các quốc gia còn lại trên thế giới lựa chọn cách kết hợp “mix” giữa mô hình thứ 2 và 3.

Việt Nam có lợi thế từ sức ép chính trị không quá lớn, nếu phải sử dụng nguồn vốn ngân sách để xử lý nợ xấu. Nhưng mặt khác, nếu chỉ lựa chọn một cách cứng nhắc, chỉ lựa chọn một mô hình thứ 3, e rằng ngân sách không gánh nổi nợ xấu lên 300.000 tỷ đồng, chiếm 17% GDP cả nước (theo “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013” của VEPR). Do vậy, việc kết hợp cùng kiểm soát tiền tệ là cần thiết, để chia sẻ gánh nặng cùng ngân sách.

Sự ra đời của VAMC cho thấy lựa chọn của Việt Nam theo cách kết hợp giữa biện pháp tiền tệ và nguồn vốn ngân sách. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong tương lai, nhà nước sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách để giải quyết bài toán nợ xấu. Việt Nam đã lựa chọn được cách phá băng nợ xấu được cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi không chỉ nợ xấu, những tảng băng lớn tín dụng và bất động sản cũng cần được giải cứu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện