Du khách tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa
Lữ hành xoay xở tìm vốn
Ra đời ở Mỹ, crowdfunding (huy động vốn từ cộng đồng) là khái niệm còn xa lạ tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong những ngày tháng ngặt nghèo vì dịch COVID-19, một số doanh nghiệp nhỏ tại Indonesia, Philippines và cả tại Việt Nam đã sống sót khi tiếp cận được nguồn hỗ trợ đúng lúc từ cộng đồng crowdfunding quốc tế.
Gọi vốn cộng đồng thành công nhất có thể kể đến Sapa Sisters - doanh nghiệp chuyên cung cấp tour trekking (đi bộ đường dài) tại Lào Cai. Đặt ra mục tiêu huy động 20.000USD, nhưng sau 2 tháng đăng hồ sơ lên gogetfunding.com, Sapa Sisters đã huy động được gần 35.000USD từ 900 người ủng hộ. Số tiền này đã mang lại cơ hội “sống sót” qua khủng hoảng cho doanh nghiệp mang lại việc làm cho gần 30 phụ nữ H’Mông.
Theo Ylva, người điều hành Sapa Sisters, doanh nghiệp này đã từng thực hiện các chiến dịch gây quỹ cho các mục đích khác nhau vài lần trước đây và đều có kết quả tốt. Ylva cho rằng việc duy trì liên lạc cá nhân với khách hàng luôn là trọng tâm trong hoạt động kinh doanh. Các tour du lịch của Sapa Sisters là hàng thiết kế riêng cho từng nhóm nhỏ du khách, nên tạo được sự thân thiết giữa hướng dẫn viên với khách và nhiều du khách vẫn giữ liên lạc với Công ty sau chuyến đi.
Ylva chia sẻ thêm: “Khi cần huy động vốn thì ngoài email cho các khách thân, chúng tôi cũng chia sẻ chiến dịch trên các trang Facebook và Instagram.
Sự đóng góp lớn nhất mà Công ty nhận được đến từ một gia đình đã trekking cùng chúng tôi nhiều lần. Họ đã phải hủy đặt phòng và thay vào đó, họ hào phóng quyên góp 5.000USD”.
Tiếc rằng, câu chuyện của Sapa Sisters không phải là phổ biến. Đa số doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp cận vốn để duy trì hoạt động.
Dù quy định giãn cách xã hội đã được nới lỏng, ngành du lịch vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ sở lưu trú được mở cửa nhưng không có khách nên chi phí vận hành rất lớn, các địa phương chưa công bố kế hoạch mở cửa điểm đến đồng bộ nên doanh nghiệp lúng túng...
Thông tin từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế (TAB) cho biết, năm 2019 ngành du lịch của Việt Nam đã đóng góp đến 8,8% GDP. Trong 4 năm gần đây, cứ 4 việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có 1 việc làm là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Những điều trên cho thấy ảnh hưởng kinh hoàng của đại dịch cúm đối với lĩnh vực này.
Vừa qua, TAB cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và Công ty Grant Thornton Vietnam đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp du lịch trên cả nước về những khó khăn trong đại dịch để báo cáo Chính phủ. Kết quả cho thấy, trong số 394 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 65,7% doanh nghiệp đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, gần 20% cắt giảm toàn bộ nhân viên, 8,9% đóng cửa kinh doanh.
Đặc biệt 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. “Rất nhiều doanh nghiệp vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vì các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn của họ do quan ngại về khả năng trả nợ của người vay, hoặc vì không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương”, TAB cho biết.
Trước những khó khăn hiện tại của ngành, TAB đề xuất Chính phủ hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch để vượt qua đại dịch COVID-19. TAB kiến nghị thêm, Chính phủ cần xem xét chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỉ đồng, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, nhằm giúp các doanh nghiệp ngành này thoát khỏi khó khăn.
Theo đó, TAB nhấn mạnh, các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hằng quý cho 2 quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp. “Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động”, TAB nhận định.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng nhận được dự báo về các yếu tố sẽ thay đổi so với thời điểm trước đại dịch. Theo đại diện TAB, 70,3% doanh nghiệp cho rằng thay đổi về lao động, 80% doanh nghiệp đề cập về cơ cấu khách hàng, 50% về cơ cấu dịch vụ. Qua số liệu này cho thấy, sau đại dịch ngành du lịch cần phải mạnh mẽ tái cơ cấu để phát triển, ưu tiên cơ cấu lại doanh nghiệp (về số lượng nhân viên, về loại hình dịch vụ) và cơ cấu lại thị trường khách du lịch.