Bloomberg
L’Oréal nuôi tế bào da của người Trung Quốc để thử sản phẩm mới
Mascara chống thấm nước, gel làm bóng móng tay, hay kem nền lọc tia cực tím... ngành công nghiệp mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp từ lâu đã quá quen thuộc với những cải tiến nhỏ nhưng lại mang về lợi nhuận lớn. Thành công của L’Oréal trên toàn cầu đã chứng minh điều đó, bởi nó không đến từ cấu tạo của các thỏi son, nó đến từ những chiếc ống nghiệm bên trong phòng nghiên cứu. Ngày nay, có đến hàng ngàn chiếc ống nghiệm như thế bên trong phòng thí nghiệm của L’Oréal tại Thượng Hải, nơi người ta đang nuôi và nhân bản tế bào da của người Trung Quốc để phục vụ cho việc "tinh chỉnh" các loại mỹ phẩm cho phù hợp hơn với cơ địa của người tiêu dùng tại đây.
L'Oréal - hãng mỹ phẩm có trụ sở chính tại Paris - là công ty đầu tiên phát triển da tái tạo tại Trung Quốc với nguồn tế bào sống lấy từ người hiến tặng. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng nguồn tế bào da tái tạo này để phát triển huyết thanh chống lão hóa, kem làm trắng và chất làm sạch da dưới các tác động ô nhiễm cho khách hàng tại Trung Quốc - thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới của công ty.
Euromonitor International dự báo doanh thu thị trường mỹ phẩm Trung Quốc sẽ vượt mốc 40 tỉ USD vào năm 2021, vượt qua Mỹ - thị trường mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc da lớn nhất thế giới hiện nay. Sanford Browne, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và đổi mới của L'Oréal China cho biết: "Người tiêu dùng Trung Quốc là một trong những đối tượng khách hàng đòi hỏi khắt khe nhất, với hầu hết các danh mục sản phẩm. Họ sẵn sàng trả tiền cho nó, nhưng điều tiên quyết là nó phải được thiết kế riêng và phải cho họ thấy lợi ích thực sự của sản phẩm".
Mức tăng trưởng doanh thu thị trường mỹ phẩm tại Trung Quốc và Mỹ |
L'Oréal đang cố gắng bảo vệ vị thế công ty mỹ phẩm bán chạy nhất tại Trung Quốc trước sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng với các thương hiệu nội địa mới nổi như Pechoin và Chando. Theo Alain Oberhuber, một nhà phân tích của MainFirst Bank AG, thì “Trong quá khứ, nhiều dự đoán cho rằng sớm hay muộn thì người Trung Quốc sẽ mua các công ty mỹ phẩm châu Âu, nhưng thực tế có vẻ như họ đang ưu tiên phát triển các thương hiệu nội địa. L'Oréal đã nhận ra xu hướng đó và chuyển sang thích ứng với hệ gene khác để nắm bắt tiềm năng to lớn từ thị trường Trung Quốc". Alain Oberhuber cũng là người đã ước tính rằng doanh thu của L'Oréal tại Trung Quốc tăng lên 40 lần, lên đến 2,7 tỉ USD trong giai đoạn 2012 - 2017.
Con người không phải ai cũng có cấu tạo da như nhau. Về lớp da thượng tầng, hoặc lớp biểu bì, thì có rất ít sự khác biệt giữa các chủng tộc người. Tuy nhiên, ở cấp độ tế bào thì sự khác biệt là rất đáng kể. Điều này có nghĩa rằng da của người Trung Quốc và da của người châu Âu sẽ có phản ứng khác nhau trong nhiều tình huống - như đối với tia cực tím hoặc với sự thay đổi về tuổi tác chẳng hạn. Một ví dụ điển hình: da của người phương Tây thường nhăn khi về già, trong khi da của người Trung Quốc lại thay đổi sắc tố nhiều hơn. Ngoài ra, lớp hạ bì của các chủng tộc khác nhau cũng tương tác khác nhau với các sản phẩm làm đẹp.
Phát triển da tái tạo để thử nghiệm mỹ phẩm mới |
L'Oréal đã bắt đầu phát triển tế bào da của người châu Âu từ nhiều thập niên trước, nhưng cho đến năm 2005 các nhà khoa học tại công ty EpiSkin (công ty con của L'Oréal ở Lyon, Pháp) mới đạt thành công tương tự trong việc nuôi và tái tạo da của người Trung Quốc. Chi nhánh của EpiSkin tại Trung Quốc hoạt động vào năm 2014 để phát triển da tái tạo phục vụ cho thị trường trong nước. Tại cơ sở nghiên cứu rộng gần 2.000 mét vuông ở Thượng Hải, các nhân viên phòng thí nghiệm sẽ sản xuất ra da tái tạo, theo dõi qua kính hiển vi các dữ liệu ở cấp độ tế bào, sau đó dùng các kết quả nghiên cứu này để điều chỉnh các thành phần trong kem, mỹ phẩm, dầu gội… tại thị trường Trung Quốc.
L'Oréal từ chối công bố mức đầu tư vào việc thử nghiệm và tuỳ biến sản phẩm cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Vivian Qin, một nhà phân tích tại Thượng Hải của Euromonitor, cho biết rằng mức chi tiêu này dù lớn nhưng cũng sẽ là hợp lý vì quy mô của thị trường Trung Quốc nói chung và dự báo nhu cầu lớn về các sản phẩm chống lão hóa vào khoảng năm 2021. “Các sản phẩm chống lão hoá đòi hỏi công nghệ tiên tiến và giá cả cũng cao hơn, cho phép các nhà sản xuất có thể phát triển sản phẩm và có được lợi nhuận cao hơn".
Nguồn Bloomberg