Dân trí

 
Thứ Hai | 19/02/2018 13:04

Long đong gạo Việt trên thị trường Mỹ

Mặc dù Mỹ là một thị trường có sức tiêu thụ gạo lớn nhưng có một thực tế là hạt gạo Việt đang mất dần vị thế.

Báo cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, từ năm 2013-2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 60.000 tấn/năm. Tuy nhiên đến năm 2016, con số này giảm hơn một nửa. Một trong những nguyên nhân chính là do gạo còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao.

Không chỉ hạt gạo Việt Nam đang gặp khó tại Mỹ mà trên kệ hàng của các siêu thị, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng đang dần ít đi. Phần vì do quản lý chất lượng ngày càng khó khăn hơn, phần là do sức ép cạnh tranh từ các nước láng giềng quá lớn. 

Với khoảng hơn 2 triệu người Việt sinh sống, Mỹ hiện là thị trường rất tiềm năng với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Nhưng rõ ràng, nếu chúng ta không thay đổi cách thức tiếp cận thị trường và chất lượng sản phẩm thì chúng ta có thể để mất dần cơ hội tại thị trường tiềm năng này. 

Vào tháng 10.2017, Cơ quan Nông nghiệp Mỹ đã thông báo loại hàng loạt DN xuất khẩu nông sản của nước ta khiến cho cánh cửa gạo Việt vào thị trường Mỹ gần như bị đóng lại.

Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của nước ta bị loại khỏi thị trường Mỹ, có nhiều công ty xuất khẩu gạo. Lý do là vì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ quy định do thị trường Mỹ đưa ra. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các chỉ tiêu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo giữa Việt Nam và Mỹ chưa đồng nhất với nhau.

Trước đó, vào tháng 9.2016, khi hàng loạt lô gạo xuất sang Mỹ bị trả về do tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc Nhà nước phải thắt chặt quản lý tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không thể để nông dân thoải mái sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay. Để quản lý hiệu quả, cần kiểm soát thông qua doanh nghiệp, bắt buộc các doanh nghiệp phải xem lại quy trình sản xuất lúa gạo có đảm bảo mới được thu mua. Quan trọng hơn, phải chuyển sang chiến lược mới: sản xuất lúa gạo chất lượng cao bằng công nghệ kỹ thuật cao như Thái Lan đang đẩy mạnh”.

Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, động thái này gần như đóng cửa với gạo Việt Nam vào thị trường Mỹ. Mặc dù sản lượng không nhiều, gạo Việt Nam vào Mỹ có giá trị rất cao, trung bình mỗi tấn gạo xuất khẩu có giá cao hơn từ 100 - 200 USD so với các thị trường khác.

Lãnh đạo của một doanh nghiệp gạo bị loại khỏi thị trường Mỹ cho biết những quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo của Mỹ là khắt khe hơn nhiều so với châu Âu và Nhật Bản. Đồng thời, một số hoạt chất được sử dụng phổ biến trong trồng lúa gạo lại chưa được Mỹ quy định mức, ngưỡng cụ thể. Do vậy, nếu việc sử dụng những hoạt chất này không được kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình trồng lúa thì gạo Việt sẽ chịu những rủi ro lớn khi xuất vào Mỹ. Theo vị lãnh đạo này, để cải thiện lại tình hình, Việt Nam cần phải tổ chức lại ngành sản xuất lúa gao đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ theo hướng nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn VTV và Dân trí