Thứ Bảy | 05/01/2013 07:06

Lỗi và sai sót khiến dự trữ ngoại hối mất hơn 2,8 tỷ USD

Nếu không tính lỗi và sai sót, dự trữ ngoại hối 9 tháng đầu năm 2012 sẽ tăng gần 11 tỷ USD, chứ không chỉ là 8,2 tỷ USD như thực tế.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu cán cân thanh toán quốc tế quý III/2012.

Theo đó, cán cân thanh toán tổng thể quý III tuy tiếp tục thặng dư gần 1,74 tỷ USD nhưng lại giảm 20% so với quý II và giảm 60% so với quý I. Tính chung 9 tháng, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 8,2 tỷ USD (NHNN dự báo cán cân thanh toán năm 2012 sẽ còn thặng dư tới 10 tỷ USD).

Điểm đáng chú ý là trong khi mức thặng dư cán cân thanh toán giảm thì lỗi và sai sót lại tăng mạnh. Trong quý III, khoản mục lỗi và sai sót lên tới 1,73 tỷ USD, gấp 4 lần so với lỗi và sai sót quý I và gấp 2,5 lần so với quý II. Điều này đưa lỗi và sai sót 9 tháng đầu năm 2012 lên tới 2,83 tỷ USD

Việc lỗi và sai sót lớn dẫn đến việc số ngoại tệ được đưa vào dự trữ ngoại hối giảm đi. Cụ thể, nếu tính lỗi và sai sót bằng 0 thì từ nguồn thặng dư cán cân vãng lai, cán cân vốn và tài chính, NHNN sẽ đưa thêm vào dự trữ ngoại hối 9 tháng đầu năm gần 11 tỷ USD, chứ không chỉ là 8,2 tỷ USD như thực tế.

Giải thích cho việc lỗi và sai sót lớn, ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho biết, lỗi và sai sót là do nghiệp vụ tính toán khi chưa kiểm soát được hết dòng tiền vào và ra nếu nó không qua tài khoản thanh toán của hệ thống ngân hàng, cụ thể là trong những trường hợp như mang tiền lậu ra nhập vàng, chuyển lậu tiền ra nước ngoài.

Việc lỗi và sai sót tăng mạnh trong quý III được ông Cao Sĩ Kiêm lý giải là do những yếu tố chưa tính vào quý I và quý II thì đến quý III đã bộc lộ ra hết, như vấn đề trên thị trường vàng liên quan đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là 1 triệu đồng hay 5 triệu đồng/lượng.

Còn việc mua vào khoảng 60 tấn vàng từ quý II, theo ông Kiêm đây không phải là yếu tố làm ảnh hưởng đến lỗi và sai sót trên bảng cân đối cán cân thanh toán. Bởi việc mua vàng là do các ngân hàng thương mại mua vào để tất toán tài khoản cho khách hàng, không liên quan đến NHNN.

Như vậy có thể thấy, mặc dù Chính phủ cũng đã xem xét nguyên nhân tại sao lại có số lỗi và sai sót này (năm 2009 khoản mục này lên kỷ lục 12,18 tỷ USD một phần do các tổ chức và cá nhân có xu hướng găm giữ ngoại tệ), nhưng đến nay con số này vẫn hiện hữu và làm ảnh hưởng đến dòng ngoại tệ dự trữ.

Liên quan đến các yếu tố khác trong cán cân thanh toán, cán cân vãng lai thặng dư tới 6,54 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ cán cân thương mại thặng dư 6,81 tỷ USD và kiều hối về mạnh (chuyển tiền từ khu vưc tư nhân 9 tháng đầu năm khoảng 5,8 tỷ USD).

Cán cân vãng lai 9 tháng đầu năm 2012
Nguồn: SBV/GAFIN

Đánh giá về kiều hối năm 2012, ông Cao Sĩ Kiêm cho biết ước thu hút được khoảng 11 tỷ USD kiều hối, tăng so với khoảng 8 tỷ USD năm 2011. Nguyên nhân khiến kiều hối tiếp tục tăng mạnh là do lãi suất tiền gửi của Việt Nam đang hấp dẫn hơn so với nước ngoài (lãi suất huy động VND là 8-9%/năm, trong khi thế giới khoảng 0,5-2/năm) khiến người lao động tăng gửi tiền về để hỗ trợ gia đình.

Sang năm 2013, vị nguyên Thống đốc NHNN này cho rằng, nếu tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát thấp thì sẽ tiếp tục thu hút được kiều hối và dòng tiền này sẽ chảy vào kênh đầu tư.

Trong khi đó, cán cân vốn và tài chính trong 9 tháng cũng thặng dư 4,47 tỷ USD nhờ dòng tiền thu về từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (thặng dư đầu tư trực tiếp 9 tháng đầu năm 2012 đạt 5,45 tỷ USD) và đi vay trung dài hạn (gần 2 tỷ USD).

Nguồn Khampha


Sự kiện