Lối thoát cho ngành cao su
Chuyển đổi cây trồng
Không phải bây giờ mà hơn một năm nay, vấn đề tái cơ cấu ngành cao su đã được đặt ra, trở thành câu chuyện được nhiều GĐ Cty cao su đem ra bàn thảo sôi nổi.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN–PTNT) cho thấy, tính đến hết năm 2013, cả nước đã có hơn 955.700 ha cao su, trong khi quy hoạch của Chính Phủ đến năm 2020 là 800.000 ha, tức là diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch 155.700 ha.
Vì thế, Cục Trồng trọt khuyến cáo không trồng mới cao su, đối với những vườn cao su già cỗi, trồng ở những vùng đất không thích hợp thì cần chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp. Hiện bước đầu đã có khoảng 4.000 ha cao su tiểu điền được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
Chắc chắn con số trên sẽ không dừng lại vì hiện có nhiều hộ dân ở các địa phương như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Gia Lai... đã và đang chặt bỏ cây cao su để chuyển đổi sang trồng mì, mãng cầu, hồ tiêu, cà phê,... kể cả trồng cỏ để chăn nuôi bò sữa.
Giảm giá thành chế biến
Tại các Cty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), việc tái cơ cấu không thể là chặt bỏ để trồng cây trồng khác, mà đang đi theo hướng nâng cao giá trị, tập trung giảm giá thành sản phẩm chế biến. Đây cũng là thế mạnh mà VRG có thể làm được nếu xem xét những gì Tập đoàn này đang nắm trong tay.
Hiện VRG đang có 44 nhà máy, xưởng chế biến cao su với tổng công suất thiết kế lên đến 445.000 tấn mủ/năm. Lợi thế đó, VRG không chỉ chế biến hết lượng mủ của Tập đoàn sản xuất mà còn chế biến, gia công cho hàng ngàn hộ cao su tiểu điền, giảm được chi phí hao mòn máy móc, giúp nguồn mủ cao su tiểu điền đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Thế nhưng, có thể nói giá thành trong chế biến mủ cao su, cụ thể là định mức chỉ tiêu kỹ thuật như xăng dầu, điện, hóa chất… hiện đang có sự vênh nhau lớn giữa các đơn vị thành viên VRG. Có đơn vị chi phí xăng dầu, điện, hóa chất… là 3,5 triệu đồng/tấn, trái lại có đơn vị cao hơn hoặc thấp hơn.
GĐ một Cty cao su vùng Đông Nam bộ thừa nhận: "Chỉ riêng việc sử dụng axit sunfuric trong khâu chế biến, có Cty sử dụng rất lãng phí, đây chính là yếu tố góp phần làm tăng giá thành".
Trong khi đó, VRG hiện có trong tay đội ngũ các nhà khoa học đang công tác tại Viện Nghiên cứu cao su, Trường Cao đẳng công nghiệp cao su đủ khả năng nghiên cứu những đề tài giúp Tập đoàn đạt được mục tiêu giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, một điều kiện sống còn trong bối cảnh giá cao su đang thấp như hiện nay.
Đầu tư chiều sâu
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2020, mục tiêu đặt ra đối với nhóm sản phẩm cao su là đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng công suất các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; đầu tư mở rộng sản xuất cao su kỹ thuật tại nhà máy hiện có và xây dựng mới các nhà máy khác; sản phẩm băng tải 700.000 m2/năm và dây cua-roa bố thép, sợi thép 1 triệu m/năm, các sản phẩm găng tay, ống dẫn... với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/năm.
Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc VRG cho rằng, VRG đã nhận ra từ rất sớm những bất cập về việc sản xuất các chủng loại mủ mà thị trường trong nước không cần và ngược lại. Nhưng khi giá mủ cao, tiêu thụ tốt và chịu áp lực kinh doanh nên chưa nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu.
Từ năm 2014, VRG đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm. Về chế biến sản phẩm cao su, trong nước hiện có khoảng 5-6 thương hiệu lốp xe nổi tiếng đang chiếm gần 90% thị phần toàn cầu, hơn 10% còn lại chia đều cho hàng nghìn thương hiệu lớn, nhỏ khác.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, VRG đã đề nghị Bộ Công thương, là cơ quan chủ quản của 3 nhà máy sản xuất xăm lốp ô tô, xe máy (Cao su Miền Nam, cao su Sao Vàng và cao su Đà Nẵng) “nhường sân” lại một nhà máy cho Tập đoàn.
Việc một Tập đoàn dám hỏi mua lại một nhà máy sản xuất săm lốp của Bộ Công thương đang ăn nên làm ra, phần nào thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu ngành cao su trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn Nông nghiệp Việt Nam